Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, mô hình trường học hạnh phúc không dừng lại ở khẩu hiệu mà phải thực sự đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực.
Ngày 29/11, Hội nghị Sơ kết 1 năm thực hiện mô hình trường học hạnh phúc diễn ra tại TP.HCM với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc, ông Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam, bà Miki Nozawa – Trưởng ban Giáo dục của UNESCO Việt Nam.
Mô hình trường học hạnh phúc: Nơi giúp học sinh được học trong sự thích thú, tò mò sáng tạo, trân trọng kiến thức
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ GDĐT đánh giá cao những nỗ lực và thành quả TP.HCM đạt được sau 1 năm triển khai thực hiện mô hình trường học hạnh phúc. Trong bối cảnh 1 năm trước đó vẫn còn nhiều hoài nghi, lo lắng đến từ các thầy cô khi bắt đầu triển khai mô hình.
Theo ông Phúc, trong 1 năm qua, TP.HCM đã khẳng định vai trò tiên phong, sáng tạo trong việc triển khai mô hình trường học hạnh phúc. Thành phố không chỉ tổ chức tới 3 hội thảo chuyên sâu để lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý giáo dục, mà còn xây dựng bộ tiêu chí gồm 3 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí quan trọng. Đây là minh chứng rõ nét cho tinh thần trách nghiệm, sự bài bản và tâm huyết của ngành giáo dục TP.HCM trong việc xây dựng nền tảng giáo dục nhân văn, tiến bộ.
“Kết quả triển khai trong năm qua tại Thành phố đã tạo nên những chuyển biến tích cực, không chỉ trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên mà còn lan tỏa mạnh mẽ tới học sinh và phụ huynh. Các trường học tại thành phố không chỉ là nơi truyền tải kiến thức và kỹ năng, mà từng bước trở thành những “ngôi nhà thứ hai” thật sự hạnh phúc” – ông Phúc nói.
Cũng theo ông Phúc, một hệ thống giáo dục nhân văn và hạnh phúc sẽ là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội phát triển bền vững. Ông mong rằng mỗi thầy cô giáo, mỗi cán bộ giáo dục hãy xem đây là trách nhiệm và cũng là cơ hội để đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Trường học hạnh phúc là một nội dung rất đặc biệt, rất hay nhưng cũng rất khó thực hiện. Các tiêu chỉ phải được triển khai một cách bài bản, đồng thời cần tránh tình trạng thực hiện mang tỉnh hình thức hoặc đánh giá theo lối hành chính.
Thứ trưởng Bộ GDĐT khẳng định: “Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa để Thành phố và các địa phương khác triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc” một cách thành công và bền vững; đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế để cập nhật những kinh nghiệm tiên tiến, xây dựng thêm nhiều giải pháp thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả mô hình này”.
Mô hình trường học hạnh phúc không chỉ đơn giản là một phong trào
Cùng vấn đề, ông Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, mô hình trường học hạnh phúc không chỉ đơn giản là một phong trào. Theo ông Ân, đây là một xu thế, là công cụ để giải quyết mọi vấn đề của giáo dục hiện đại.
Ông Ân cho rằng, trường học hạnh phúc không chỉ là đổi mới về mặt hình thức, như tổ chức văn nghệ tưng bừng, treo cờ hoa, trang hoàng lại nhà trường mà cần phải thay đổi từ chất.
“Trường học hạnh phúc không hề dễ hiểu, dễ làm như chúng ta đang hình dung. Nhưng trường học hạnh phúc là cái mà chúng ta đang cần, cái ta phải làm việc” – ông Ân chia sẻ.
Nhấn mạnh về vai trò của mô hình trường học hạnh phúc, bà Miki Nozawa – Trưởng ban Giáo dục của UNESCO Việt Nam cho rằng: “Một ngôi trường hạnh phúc là nơi mỗi người có thể học tập, phát triển và vui chơi cùng một lúc. Đó là nơi mỗi người cảm thấy hạnh phúc, được chào đón, tôn trọng và hỗ trợ”.
Theo bà Miki Nozawa, sáng kiến trường học hạnh phúc mà Sở GDĐT TP.HCM phát động hoàn toàn phù hợp với khuôn khổ toàn cầu của UNESCO về trường học hạnh phúc cũng như sự hợp tác của UNESCO với Việt Nam trong việc thúc đẩy giáo dục toàn diện, công bằng và chất lượng cho tất cả mọi người, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững số 4 của Liên Hợp Quốc về giáo dục.
UNESCO đề xuất khái niệm trường học hạnh phúc nhằm đặt hạnh phúc vào trọng tâm của quá trình chuyển đổi hệ thống giáo dục của các quốc gia.
Trong thập kỷ qua, khuôn khổ trường học hạnh phúc cấp độ khu vực đã phát triển ở cấp độ toàn cầu. Khung toàn cầu này cung cấp bốn trụ cột: Con người, quá trình, nơi chốn, môi trường học tập và các nguyên tắc, cùng với 12 tiêu chí cấp cao có thể được điều chỉnh theo bối cảnh quốc gia và địa phương.
Bộ tiêu chí được xây dựng bởi cơ sở bằng chứng ngày càng tăng về tính liên kết giữa hạnh phúc với việc học tập, giảng dạy, sự khỏe khoắn về thể chất và tinh thần cũng như khả năng thích ứng của toàn bộ hệ thống tốt hơn. Khung này tập trung vào năm yếu tố chính: Môi trường học tập mang tính hỗ trợ, phát triển toàn diện, cộng đồng gắn kết, giảng dạy và học tập có chất lượng và tiếp cận giáo dục công bằng.
Sau khi tiếp thu ý kiến của lãnh đạo, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM khẳng định, ngành GDĐT Thành phố xin cam kết sẽ tiếp thu toàn diện và cụ thể hóa những ý kiến chỉ đạo với 4 nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Nâng cao vai trò lãnh đạo và điều hành toàn diện:
Hoàn thiện tiêu chí phù hợp với thực tiễn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lan tỏa giá trị mô hình trường học hạnh phúc.
Ngành GDĐT Thành phố sẽ phát huy vai trò tiên phong của ngành trong việc xây dựng và triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc”. Các hiệu trưởng, đội ngũ lãnh đạo trường học sẽ được bồi dưỡng để trở thành những nhà quản lý vừa có tâm, vừa có tầm.
2. Hoàn thiện tiêu chí phù hợp với thực tiễn
Bộ tiêu chí “trường học hạnh phúc” sẽ tiếp tục được rà soát, bổ sung trên cơ sở ý kiến đóng góp của các chuyên gia, giáo viên và học sinh, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
3. Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện
Ngành sẽ tập trung đẩy mạnh các giải pháp nhằm phòng chống bạo lực học đường, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của cả giáo viên lẫn học sinh.
4. Lan tỏa giá trị mô hình “trường học hạnh phúc”
Ngành cam kết nhân rộng các điển hình tiên tiến, chia sẻ kinh nghiệm để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong và ngoài ngành giáo dục.
Nguồn: https://danviet.vn/thu-truong-bo-gddt-mo-hinh-truong-hoc-hanh-phuc-khong-dung-lai-o-khau-hieu-ma-phai-di-vao-chieu-sau-20241129151619633.htm