Đã có 25 năm công tác trong ngành Giáo dục, nhưng anh Lã Phú Thuận, xóm 1, xã Khánh Thịnh (Yên Mô) lại có niềm đam mê đặc biệt với nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Anh đã “tạm gác công việc giảng dạy”, đóng tiếp BHXH từ năm 2022 để theo đuổi niềm đam mê với đồng đất và sản xuất thực phẩm sạch vì sức khỏe người tiêu dùng.
Anh Thuận đã có nhiều năm tìm hiểu mô hình nông nghiệp hữu cơ với ưu điểm nổi bật là sản xuất ra chuỗi sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Năm 2020 anh Thuận quyết định xây dựng mô hình “Tổng hợp hữu cơ kết hợp thuận theo tự nhiên được vận hành tuần hoàn cho ra chuỗi sản phẩm sạch”. Sau 2 năm, mô hình kinh tế của anh Thuận đã phát huy hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Năm 2022, anh Lã Phú Thuận được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen do có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2020 – 2022.
Anh Lã Phú Thuận chia sẻ: Trăn trở muốn phát triển kinh tế gia đình, tôi đã tìm hiểu mô hình kinh tế mới, sạch. Vào những năm 2015 – 2016, tôi tìm hiểu mô hình hữu cơ của Mỹ và mô hình thuận theo tự nhiên của Nhật Bản trên mạng Internet, nhận thấy vấn đề thực phẩm sạch ngày càng được ưa chuộng khi đất nước càng phát triển. Vì thế tôi đã đi nhiều nơi, tìm hiểu và học tập kinh nghiệm về cách sản xuất, chăn nuôi để áp dụng. Từ thực tiễn học tập kinh nghiệm, tôi cân nhắc chọn trồng cây khoai môn Thái Lan lấy ngó và nuôi thủy sản tự nhiên phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng quê hương.
Đầu năm 2020, anh Thuận xây dựng mô hình nông nghiệp xanh, ban đầu thuê 3 sào đất ruộng trũng của bà con nông dân, mua cây giống khoai môn Thái Lan và ốc nhồi về làm thử nghiệm. Nhờ thực hiện đúng quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ nên diện tích khoai sinh trưởng và phát triển tốt. Sau hơn 3 tháng trồng và chăm sóc, cây khoai bắt đầu cho thu hoạch những lứa đầu tiên. Qua 6 tháng, cây khoai cho hiệu quả khá cao và cao hơn hẳn so với cấy lúa truyền thống trước đây.
Cùng với sự ủng hộ của gia đình và chính quyền địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 5.000 cây khoai, anh Thuận tiếp tục vận động nhân dân cho thuê đất lâu dài mở rộng mô hình. Đến tháng 11/2021, tổng diện tích trồng khoai đã tăng lên 4,2 ha. Hiện nay, anh Thuận đang hoàn thiện mô hình tổng hợp hữu cơ kết hợp thuận theo tự nhiên được vận hành tuần hoàn cho ra chuỗi sản phẩm sạch như: Ngó khoai, ốc nhồi, cá trắm cỏ, tôm tép, cua, chạch đồng, cá chuối hoa, lợn, gà, bầu, mướp…
Nhắc đến cây khoai môn ngọt Thái Lan là loại cây trồng đang được nhiều khách hàng ưa chuộng, anh Thuận cho biết: Loại cây này lấy ngó không ngứa, ngó mập, cho năng suất cao, trồng phù hợp những chân ruộng trũng, ít sâu bệnh, chi phí giống và không mất nhiều công chăm sóc. Ngó khoai môn Thái Lan có hương vị thơm ngon, ngọt, chế biến được nhiều món ăn như nấu với mẻ, nấu xương, nấu ốc, xào, gỏi… sản phẩm rất được khách hàng ưa chuộng.
Nhằm bảo quản và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách, anh Thuận đã đầu tư xây dựng khu nhà xưởng chế biến sản phẩm ngó khoai đóng gói sẵn. Hiện bình quân mỗi ngày, anh Thuận xuất bán ra thị trường từ 1-1,2 tạ ngó khoai với giá ổn định từ 20-25 nghìn đồng/kg thô, 35-40 nghìn đồng/kg đã chế biến.
Để sản phẩm sạch của mô hình đến với đông đảo khách hàng, anh Thuận đã bắt nhịp sự phát triển của công nghệ số, thông qua phương thức bán hàng trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, sản phẩm ngó khoai môn Thái Lan không chỉ được ưa chuộng tại thị trường trong tỉnh, mà còn được xuất đi nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Với quy trình sản xuất an toàn, thuận theo tự nhiên theo vòng tuần hoàn xung quanh diện tích 4,2 ha cây khoai, dưới rãnh khoai là tôm, cua, cá rô, cá diếc đồng, ốc truyền thống…, anh Thuận đã sử dụng phụ phẩm từ cây khoai như củ, tàu lá cộng với bột cá tạp qua khâu xử lý làm thức ăn cho các con nuôi như ốc nhồi, lợn, gà, cá… Trong đó, ốc nhồi được nuôi hoàn toàn tự nhiên trên cánh đồng khoai với diện tích khoảng 1,5 ha, thả khoảng 200 vạn con giống. Các vật nuôi khác được lồng ghép theo khu vực.
Mô hình kinh tế của anh Thuận cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm; tạo việc làm ổn định cho 6 lao động thường xuyên và 3- 4 lao động thời vụ, mức lương 4-5 triệu đồng/người/tháng. Mô hình cũng là địa chỉ uy tín cung cấp khoai giống và chia sẻ kinh nghiệm, cách làm cho các địa phương lân cận trong và ngoài tỉnh.
Năm 2022, sản phẩm ngó khoai của gia đình anh Thuận được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Mô hình nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan chia sẻ, học tập kinh nghiệm. Không dừng lại ở thành công hiện có, anh Thuận đặt mục tiêu trong năm 2023, phấn đấu thu khoảng trên 10 tấn ốc nhồi thương phẩm và xuất bán một số lượng lớn con giống ra thị trường; nuôi lợn rừng sạch tận dụng từ phụ phẩm khoai môn; phấn đấu doanh thu đạt 800 triệu đồng/1 ha, hướng đến làm du lịch từ mô hình hiện có để bảo tồn nét đẹp văn hóa nông nghiệp, quảng bá hình ảnh đất và người Khánh Thịnh. Đồng thời, anh Thuận đang ấp ủ dự định trích một phần lãi trong kinh doanh để lập Quỹ học bổng vì quê hương, hỗ trợ cho những học sinh nghèo vượt khó, tiếp tục tình yêu với giáo dục.
Đồng chí Lã Thị Anh Đào, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thịnh cho biết: Với thành công của mô hình kinh tế gia đình anh Thuận, Hội Nông dân xã đã tham mưu cho UBND xã tạo điều kiện về đất thầu để gia đình anh tiếp tục phát triển mô hình. Tuyên truyền cho bà con có ruộng cấy lúa không hiệu quả cho anh Thuận thuê mở rộng mô hình. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên Facebook, Zalo của Hội và trang Thông tin điện tử của xã để quảng bá sản phẩm ngó khoai môn Thái Lan tới đông đảo hội viên và nhân dân, thúc đẩy thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Bài, ảnh: Phương Anh