Nguồn tin giấu tên tiết lộ, trong cuộc thảo luận chuẩn bị cho những cuộc họp cuối cùng dự kiến diễn ra vào 6/12 tới đây, “các mô hình nền tảng” hay AI tạo sinh đã trở thành rào cản chính.
Các mô hình nền tảng giống như mô hình OpenAI do Microsoft xây dựng là các hệ thống AI được đào tạo trên các tập dữ liệu lớn, với khả năng học hỏi từ dữ liệu mới để thực hiện nhiều tác vụ khác nhau.
Sau hai năm đàm phán, dự luật đã được Nghị viện châu Âu thông qua vào tháng 6. Song, nội dung quy định dự thảo về AI hiện nay cần được thống nhất thông qua các cuộc họp giữa các đại diện của Nghị viện châu Âu, Hội đồng và Ủy ban châu Âu.
Trong khi một số chuyên gia và nhà lập pháp đề xuất cách tiếp cận theo từng cấp độ để điều chỉnh các mô hình nền tảng, chẳng hạn lấy tiêu chí lượng người dùng nền tảng từ 45 triệu trở lên, thì những người khác cho rằng các mô hình nhỏ hơn có thể có rủi ro tương đương.
Nhưng thách thức lớn nhất để đạt được thỏa thuận đến từ Pháp, Đức và Ý – những nước ủng hộ cho phép các nhà sản xuất mô hình AI tự điều chỉnh thay vì có các quy tắc cứng nhắc.
Các nghị sĩ châu Âu, Ủy viên EU Thierry Breton và nhiều nhà nghiên cứu AI đã phản đối việc giao cho các công ty AI “tự quản lý”, do điều này “có khả năng không đạt được các tiêu chuẩn cần thiết cho sự an toàn của mô hình nền tảng”.
Ngược lại, phía doanh nghiệp không muốn bị áp đặt theo các tiêu chuẩn cứng đối với công nghệ họ sử dụng để tạo ra sản phẩm. Công ty AI Mistral có trụ sở tại Pháp và Aleph Alpha của Đức đã chỉ trích cách tiếp cận quản lý theo cấp độ.
Nguồn tin Reuters nói rằng Mistral ủng hộ quy tắc cứng với sản phẩm chứ không phải công nghệ sử dụng bên trong.
Chia rẽ và mơ hồ
“Mặc dù các bên liên quan đang nỗ lực hết sức để duy trì các cuộc đàm phán đi đúng hướng, nhưng sự không chắc chắn về mặt pháp lý ngày càng tăng không có lợi cho các ngành công nghiệp châu Âu”, Kirsten Rulf, Đối tác và Phó Giám đốc tại Boston Consulting Group, cho biết. “Các doanh nghiệp châu Âu muốn lập kế hoạch cho năm tới và nhiều người muốn thấy sự chắc chắn nào đó xung quanh Đạo luật AI của EU có hiệu lực vào năm 2024”.
Các vấn đề đang chờ giải quyết khác trong các cuộc đàm phán bao gồm định nghĩa về AI, đánh giá tác động của các quyền cơ bản, các ngoại lệ thực thi pháp luật và các ngoại lệ về an ninh quốc gia.
Ngoài ra, các nhà lập pháp cũng bị chia rẽ về việc cơ quan thực thi pháp luật sử dụng hệ thống AI để nhận dạng sinh trắc học các cá nhân trong không gian công cộng.
Tây Ban Nha, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU cho đến cuối năm nay, đã cố gắng đẩy nhanh quá trình đạt thoả thuận.
Nếu một thỏa thuận không xảy ra vào tháng 12, nước chủ tịch kế nhiệm là Bỉ sẽ chỉ có vài tháng để hoàn thành trước khi mọi việc có khả năng bị gác lại đến sau cuộc bầu cử châu Âu.