PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền – Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), Ủy viên Thường trực Hội đồng di sản văn hoá quốc gia cho rằng, danh hiệu mới của UNESCO mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam nhưng cũng có nhiều việc phải làm.
Tham gia Kỳ họp lần thứ 45 của Uỷ ban Di sản thế giới ở Saudi Arabia, PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền đã có những chia sẻ với TG&VN xoay quanh câu chuyện Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà vừa được vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới.
PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền (thứ hai, từ trái qua) cùng đoàn Việt Nam tại Kỳ họp 45 của Ủy ban Di sản thế giới. (Nguồn: NVCC) |
Sau tám năm nước ta mới có danh hiệu Di sản thiên nhiên kể từ lần vinh danh của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng năm 2015. Theo Cục trưởng, sự kiện này có ý nghĩa gì?
Vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994 và năm 2000. Đến nay, việc UNESCO tiếp tục công nhận Di sản thiên nhiên thế giới trên cơ sở hồ sơ mở rộng Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà góp phần củng cố và khẳng định tính toàn vẹn của di sản và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản nói riêng, khẳng định giá trị độc đáo, phong phú của kho tàng di sản văn hóa của Việt Nam, đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa và thiên nhiên của nhân loại và thế giới nói chung.
Danh hiệu mới giúp chúng ta có cơ hội thúc đẩy quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam với thiên nhiên phong phú, cũng như khẳng định di sản văn hoá là tài sản, nguồn tài nguyên vô giá trong phát triển kinh tế – xã hội, gắn với phát triển du lịch và đóng góp tích cực cho chiến lựợc phát triển các ngành công nghiệp văn hoá của Việt Nam.
Ngoài ra, Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới đầu tiên tại Việt Nam trải rộng trên địa bàn liên tỉnh, giữa tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng.
Đây là tiền đề quan trọng giúp chúng ta hoàn thiện mô hình quản lý di sản mới trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên, đồng thời hướng tới mục tiêu tiếp tục khẳng định vai trò, đóng góp kinh nghiệm, thực tiễn của Việt Nam; hướng tới mục tiêu quản lý di sản đa quốc gia khi chúng ta đang hỗ trợ nước bạn Lào trong việc lập hồ sơ để sớm đề nghị UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới đối với di sản Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng tỉnh Quảng Bình, mở rộng với Vườn Quốc gia Hin-Nam-No thuộc tỉnh Khăm Muộn.
Quá trình xây dựng hồ sơ kéo dài hơn 10 năm với không ít khó khăn và thách thức. Bà có nhận xét gì về sự phối hợp giữa các cơ quan và hai địa phương để tạo nên thành công lần này?
Đây là kết quả của một quá trình rất dài. Từ chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, việc bám sát, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cùng sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Paris, hơn cả là quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.
Vinh dự đi liền với thách thức phải không, thưa bà?
Đúng là việc công nhận của UNESCO đối với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam, đồng nghĩa với việc chúng ta có rất nhiều công việc phải làm. Bởi, đây là di sản thiên nhiên thế giới đầu tiên tại Việt Nam trải rộng trên địa bàn của hai địa phương – vấn đề quản lý di sản vật thể liên tỉnh trong thực tế trước nay chưa có.
Thách thức ở đây là phải bảo vệ và quản lý di sản như thế nào để có sự thống nhất, hiệu quả giữa hai địa phương, vừa bảo đảm được phát triển kinh tế – xã hội gắn với phát triển du lịch, vì mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, vừa gìn giữ được tính toàn vẹn và tôn trọng đầy đủ giá trị nổi bật toàn cầu của di sản như nội dung các khuyến nghị của UNESCO bên cạnh việc công nhận di sản thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà.
Đâu là những giải pháp cần triển khai để giữ gìn và phát huy giá trị di sản?
Theo tôi, giải pháp quan trọng nhất cần triển khai ngay là xây dựng kế hoạch, quy chế quản lý di sản giữa hai địa phương để làm cơ sở cùng quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản và giải quyết các mối đe dọa chính như vấn đề ô nhiễm môi trường (dầu, tiếng ồn, nước thải, rác thải…), săn trộm, khai thác tài nguyên biển và lâm sản, đánh bắt quá mức, nuôi trồng thủy sản không bền vững, các khu định cư, sự phát triển trong vùng đệm và sức tải sinh thái của di sản từ du lịch đại chúng…
Bên cạnh các chiến lược quảng bá điểm đến, xúc tiến phát triển du lịch, việc tính toán kết nối thành chuỗi các điểm, tuyến tham quan… bảo đảm tăng nguồn thu từ dịch vụ du lịch nhưng giảm sức chịu tải của di sản với sự tôn trọng giá trị nổi bật toàn cầu của di sản chính là giải pháp nhưng cũng là bài toán mà các địa phương cần lưu ý.
Thời gian tới, di sản thế giới được công nhận sẽ tạo ra các cơ hội lớn trong việc triển khai các dự án lớn phát triển kinh tế – xã hội liên quan trong và ngoài vùng đệm của di sản ở hai địa phương, đặc biệt đối với thành phố Hải Phòng. Bởi vậy, điều này phải lưu ý bảo đảm sự hài hoà giữa phát triển kinh tế xã hội với bảo tồn di sản theo mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO và quan điểm bảo tồn di sản văn hoá.
Về tổng thể, cần cân nhắc, nghiên cứu xây dựng kế hoạch giám sát và các chỉ số để quản lý di sản một cách hữu hiệu; đồng thời, tạo hành lang pháp lý phù hợp hơn, đặc biệt trong lộ trình sửa đổi Luật Di sản văn hoá sẽ trình Thủ tướng Chính phủ và được bàn luận tại Kỳ họp lần thứ 7 Quốc hội khoá XV năm 2024.