(GLO)- Chiều 18-5, tại TP. Pleiku, trong khuôn khổ kế hoạch triển khai dự án hỗ trợ chuyên môn về y tế năm 2023, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức hội nghị triển khai mô hình lồng ghép tiêm chủng mở rộng và quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại tỉnh Gia Lai.
Dự hội nghị, về phía WHO có Tiến sĩ Angela Pratt-Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, Tiến sĩ Viên Chinh Chiến-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, các chuyên gia tiêm chủng về bệnh không lây nhiễm và truyền thông của WHO, đại diện các phòng ban chuyên môn của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Về phía tỉnh Gia Lai có bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 5 Trung tâm Y tế huyện và 32 trạm y tế xã chọn triển khai mô hình.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Như Nguyện |
Mô hình lồng ghép tiêm chủng mở rộng và quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại tỉnh Gia Lai do WHO hỗ trợ, Bộ Y tế quản lý, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên thực hiện và Sở Y tế Gia Lai, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp thực hiện. Thời gian thực hiện trong năm 2023. Ngoài Gia Lai, tỉnh Đak Lak cũng được chọn triển khai mô hình này.
Mục tiêu chung của mô hình nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và phát hiện, quản lý, điều trị tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ĐTĐ) nhằm hạn chế tàn tật tử vong sớm, góp phần chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ cộng đồng. Trong đó, các mục tiêu cụ thể: Nâng cao tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch; tăng cường công tác sàng lọc và quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm (THA, ĐTĐ); mở rộng hoạt động quản lý, điều trị và thống kê báo cáo bệnh không lây nhiễm và đánh giá tính khả thi, tính hiệu quả, tính chấp nhận của mô hình lồng ghép và xem xét mở rộng lồng ghép tiêm chủng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu khác. Mô hình sẽ triển khai tại 32 xã thuộc 5 huyện: Chư Pưh, Chư Prông, Mang Yang, Ia Pa và Đức Cơ.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động tiêm chủng tại Gia Lai còn gặp một số khó khăn, bất cập. Trong đó, thiếu cán bộ, thiếu kinh phí hoạt động, kinh phí chi cho công tiêm không chi trả được do thông tư 26 hết hiệu lực, chưa có hướng dẫn mới. Ngoài ra, thiếu vắc xin cho tiêm chủng thường xuyên; thiếu tủ lạnh chuyên dụng, cán bộ mới chưa được tập huấn phần mềm tiêm, chưa được triển khai đồng bộ về hệ thống giám sát bệnh trong tiêm chủng mở rộng… Bên cạnh đó, địa bàn rộng, giao thông khó khăn vào mùa mưa lũ, hiểu biết của cộng đồng, cha mẹ về tiêm chủng còn hạn chế. Trong năm 2022, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ tại Gia lai chỉ đạt 75,3%.
Về công tác phòng-chống bệnh THA, số người được sàng lọc THA của Gia Lai lớn nhất, tuy nhiên tỷ lệ nghi ngờ THA thấp nhất (4.575/92.446=4,9%) do không chọn người nguy cơ cao nên gây lãng phí nguồn lực. Mặc dù số phát hiện THA cộng dồn cao so với các tỉnh Tây Nguyên (8.344 người) nhưng mới chỉ chiếm 6,9% số bệnh nhân ước tính. Số lượng và tỷ lệ bệnh nhân quản lý điều tra tại trạm y tế còn rất thấp…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị. Ảnh: Như Nguyện |
Qua thực trạng nêu trên, việc lồng ghép tiêm chủng với các dịch vụ khác là khả thi, nên lồng ghép; trong đó mô hình lồng ghép tiêm chủng mở rộng với quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm là khả thi, thiết thực. Theo đó, trong các đợt tiêm chủng mở rộng, tận dụng thời điểm cha mẹ, ông bà đưa trẻ đi tiêm chủng thì cán bộ y tế tại trạm y tế sàng lọc bệnh không lây nhiễm, qua đó kịp thời phát hiện sớm và điều trị hiệu quả bệnh không lây nhiễm. Việc lồng ghép mô hình giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí, nhân lực và sàng lọc bệnh không lây nhiễm được thêm nhiều người…
Tại hội nghị, bà Angela Pratt-Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cam kết hỗ trợ để mô hình triển khai hiệu quả, thiết thực trong thời gian tới. Về phía Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, ông Viên Chinh Chiến-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết sẽ điều phối các hoạt động, hỗ trợ chuyên môn kĩ thuật cho tỉnh triển khai hoạt động và giám sát, hỗ trợ và báo cáo các hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch (thứ hai từ phải qua) tặng quà lưu niệm đoàn công tác. Ảnh: Như Nguyện |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết, Gia Lai là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn và việc được hỗ trợ triển khai mô hình lồng ghép tiêm chủng mở rộng và quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm là một sáng kiến hữu ích, ý nghĩa, thiết thực góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Gia Lai cam kết phối hợp để mô hình triển khai hiệu quả và mong muốn WHO tiếp tục quan tâm hỗ trợ về công tác chăm sóc sức khỏe tại các địa bàn khó khăn tại Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng.
Dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đã tặng quà lưu niệm đến bà Angela Pratt-Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và các thành viên đoàn công tác.