Các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ, khoa học đã chứng minh, khoảng 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong độ tuổi dưới 12. Đây chính là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của con người.
Có hai giai đoạn quan trọng để phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của con người là 1.000 ngày đầu đời và kế tiếp là 2-12 tuổi, lứa tuổi học đường. Vì vậy, vấn đề chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em ở giai đoạn này, đặc biệt là dinh dưỡng học đường cần được nhận thức đầy đủ để có giải pháp thực thi hiệu quả.
PGS. TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GDĐT cho biết, năm học 2020-2021, Bộ GDĐT đã thực hiện thí điểm mô hình bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau gần một năm triển khai, mô hình có hiệu quả tích cực đối với sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ.
Mô hình này được đánh giá mang tính “cách mạng” khi tiếp cận truyền thông, tập huấn, nâng cao nhận thức về dinh dưỡng cho cả 4 đối tượng là học sinh; phụ huynh học sinh; thầy cô giáo – người chăm sóc trẻ và sự tham gia của doanh nghiệp. Trong 1 năm học, 100% cán bộ quản lý, nhân viên bếp, nhân viên y tế và 94,4% giáo viên được truyền thông hoặc tập huấn nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, nguyên tắc xây dựng khẩu phần ăn; 97,9% phụ huynh học sinh được truyền thông về lợi ích của dinh dưỡng hợp lý, bữa ăn học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đặc biệt, các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia tham gia mô hình điểm đã xây dựng bộ thực đơn phong phú gồm 400 thực đơn cho các trường học để thực hiện thực đơn theo mùa, theo nguyên liệu địa phương và đảm bảo sự hấp thu của trẻ.
Hoạt động giáo dục dinh dưỡng và thể chất đã góp phần thay đổi tích cực nhận thức, thói quen ăn uống, vận động thể lực của học sinh. 95,4% PHHS được khảo sát cho biết đã phối hợp với nhà trường trong việc tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ (ít nhất 60 phút/ngày theo khuyến cáo của WHO).
Từ một góc nhìn khác, theo TS Đàm Quốc Chính, Giám đốc Văn phòng Ban Điều phối Đề án 641 về “Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030”, mô hình này đã làm thay đổi hoàn toàn vấn đề về dinh dưỡng học đường khi đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa dinh dưỡng với tăng cường thể lực cho trẻ em, học sinh.
“Trước đây, chúng ta mới chỉ có các nghiên cứu riêng về dinh dưỡng hoặc riêng về thể chất. Mô hình điểm của bộ có cả hai yếu tố đó và còn làm tốt ở hoạt động truyền thông thay đổi nhận thức đến tận gia đình và nhà trường”, ông Chính nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Sở GDĐT tỉnh Quảng Nam – một trong 10 tỉnh tham gia mô hình điểm, cũng cho rằng mô hình đề cập tới cả ba vấn đề: thể chất – dinh dưỡng – điều kiện thực hiện (bao gồm cơ sở vật chất, nhận thức của người thực hiện, truyền thông tới những người có liên quan,…). “Đây chính là một dự án có ý nghĩa cách mạng về nâng cao tầm vóc người Việt. Tôi mong muốn mô hình với ba trụ cột này được nhân rộng trên địa bàn cả nước, coi nó như một chiến lược”, vị đại diện này cho hay.
Đóng góp vì tầm vóc Việt
Mô hình điểm nói trên có sự tham gia, đồng hành của Tập đoàn TH – một trong những doanh nghiệp luôn trăn trở với sự nghiệp vì tầm vóc Việt và cải thiện sức khỏe học đường. Tập đoàn TH đã đồng hành khảo sát cơ sở vật chất của trường, địa phương, đề xuất phương án tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực tổ chức bữa ăn cho giáo viên và nhân viên dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, TH cũng hỗ trợ kinh phí cải thiện cơ sở vật chất bếp ăn, phòng tập, trang thiết bị cần thiết cho bữa ăn đạt chuẩn; hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị luyện tập thể thao theo khuyến nghị của chuyên gia; hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho các suất ăn ở những vùng khó khăn (mức đóng góp của phụ huynh rất thấp, chưa đủ chi phí cho các bữa ăn đạt chuẩn về calo, khẩu phần theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia).
Anh hùng Lao động Thái Hương – Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH bày tỏ: “Tôi thực sự hạnh phúc vì sự nỗ lực để các em ở lứa tuổi vàng có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, toàn diện thông qua bữa ăn học đường đã có kết quả. Các em có khỏe mới học tốt. Sức khỏe và trí tuệ của trẻ em hôm nay là sức mạnh của dân tộc ngày mai”.
Tại Hội thảo Dinh dưỡng người Việt lần 2 – Dinh dưỡng học đường diễn ra mới đây, bà Thái Hương lần nữa nhấn mạnh: Dù đã có nhiều cải thiện về dinh dưỡng trong những năm qua nhưng Việt Nam hiện vẫn nằm trong nhóm có chiều cao trung bình thấp, đứng thứ 15 từ dưới lên trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, từ năm 1954 đã có Luật Dinh dưỡng học đường, quy định các tiêu chuẩn dinh dưỡng và quản lý an toàn thực phẩm cho bữa ăn học đường. Tại Thái Lan, Chính phủ đã ban hành bộ tiêu chuẩn về bữa trưa tại trường. Và tại Indonesia, Tổng thống mới đắc cử đã cam kết sẽ triển khai chương trình Bữa trưa miễn phí cho học sinh từ năm 2025,…
“Tập đoàn TH đề xuất xây dựng một bộ luật riêng là Luật Dinh dưỡng học đường. Cần phải có luật riêng vì các nội dung quy định sẽ rất lớn và bao trùm, ảnh hưởng tới sức khỏe, tầm vóc của thế hệ tương lai” – bà Thái Hương nói.
Ý tưởng của Tập đoàn TH đưa ra được cho là sẽ có bước đột phá đối với dinh dưỡng học đường ở Việt Nam. Không chỉ giúp người dân, nhất là các bậc phụ huynh yên tâm phần nào về ATVSTP tại trường học, luật ra đời sẽ tạo cơ hội cho các thế hệ tương lai được cải thiện chiều cao, tăng cường sức khoẻ về thể chất và trí lực so với các quốc gia trên thế giới.
Ngay khi triển khai, Mô hình điểm được đánh giá là cách làm sáng tạo để giải quyết vấn đề tiêu chuẩn dinh dưỡng học đường để nâng cao sức khỏe cho trẻ em, đặc biệt góp phần dự phòng bệnh mãn tính không lây như ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.
Nguồn: https://danviet.vn/bai-5-mo-hinh-goi-mo-cac-giai-phap-cho-bua-an-hoc-duong-20250109100450081.htm