45 lớp học của Trường THPT Ðầm Dơi đều được kết nối Internet và lắp camera, tạo thuận lợi cho nhà trường trong việc theo dõi tình hình giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh. |
Đã qua, CÐS trong giảng dạy và học tập không chỉ giới hạn trong thời kỳ dịch bệnh mà còn giúp Trường THPT Ðầm Dơi xác định đã và đang tạo ra những thay đổi tích cực, tạo nên hệ thống chặt chẽ tại đơn vị từ giảng dạy, học tập đến quản lý.
Thầy Phạm Việt Hưng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Thực hiện việc CÐS trong trường học, đến nay nhà trường đã hoàn thành một số chỉ tiêu. Nhà trường không còn sử dụng văn bản giấy, chỉ những văn bản bắt buộc phải sử dụng bằng giấy thì mới thực hiện. Còn về việc quản lý hồ sơ, sổ sách thì cách nay 4 năm nhà trường đã chuyển từ giấy qua việc áp dụng ứng dụng Google Drive nhằm rút ngắn thời gian ký duyệt giáo án, và toàn thể giáo viên đã thực hiện chữ ký số. Các văn bản của trường, kế hoạch của các tổ chuyên môn hoặc triển khai các kế hoạch của cấp trên nhà trường đã đưa lên cổng thông tin của trường hoặc lên hệ thống Zalo nội bộ”.
Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều học sinh nghỉ học đặt ra thách thức rất lớn cho nhà trường. Cuối cùng, trường quyết định đầu tư cho mỗi lớp một đường truyền Internet riêng, lắp đặt một camera để kết hợp dạy học trực tuyến và trực tiếp; từ đó tiết kiệm được rất nhiều thời gian, kinh phí, giúp tất cả học sinh duy trì việc học. Ngoài ra, hiện nay tất cả các lớp học đã được lắp đặt tivi để giáo viên thực hiện bài giảng trình chiếu.
Nhà trường cũng ứng dụng phần mềm K12 của Viettel để thực hiện một phần trong việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên với học sinh thay thế cho việc kiểm tra truyền thống, từ đó tạo thói quen giúp các em chủ động, siêng năng học tập, tránh lười biếng, học đối phó.
Thầy Phạm Việt Hưng cho biết thêm: “Trong giai đoạn đầu thực hiện CÐS, nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bởi có một số ít phản ứng, không đồng tình thực hiện, đặt ra nhiều vấn đề, cuối cùng, từng vấn đề được giải quyết thoả đáng. Thấy được hiệu quả, lợi ích mang lại nên hiện nay 100% cán bộ, giáo viên nhà trường cùng thực hiện”.
Ðể trang bị cho đội ngũ cán bộ, giáo viên thuần thục việc tiếp cận, ứng dụng các phần mềm liên quan CÐS, nhà trường tổ chức nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn thầy cô về kỹ năng, thao tác các bước trong việc ứng dụng các phần mềm. Bên cạnh đó, tất cả dữ liệu về hồ sơ của giáo viên đã được nhà trường đồng bộ lên Bộ Nội vụ để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, giáo viên. Trong năm học vừa rồi, nhà trường còn phối hợp với phụ huynh thu học phí không dùng tiền mặt mà chuyển khoản cho nhà trường. Ngoài ra, phụ huynh có thể tra cứu thông tin điểm của con mình thông qua tin nhắn SMAS.
Giáo viên của trường thực hiện phương pháp dạy trình chiếu với hình ảnh trực quan sinh động bằng cách kết nối máy tính với tivi, tạo hứng thú cho học sinh. |
“Hiện nhà trường đang dần làm quen với ứng dụng Iot để thực hiện phân quyền trong ký duyệt. Mong muốn lớn nhất hiện nay của trường là được phát triển thư viện số để học sinh, giáo viên tiếp cận nhiều tiện ích, giúp việc đọc sách trở nên dễ dàng, không bị rào cản không gian, thời gian, giúp các em mở rộng hiểu biết… Tuy nhiên, việc xây dựng thư viện số là quá trình đòi hỏi phải có sự đầu tư về công nghệ, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện nguồn tài liệu số. Ðiều này khó có thể thực hiện trong ngày một, ngày hai”, thầy Phạm Việt Hưng chia sẻ.
Có thể khẳng định, sau thời gian thực hiện CÐS, Trường THPT Ðầm Dơi đã áp dụng công nghệ số theo nền tảng mới, giúp giáo viên và học sinh linh hoạt, chủ động hơn về thời gian, địa điểm giảng dạy và học tập, từ đó tạo sự thoải mái về tinh thần, nâng cao khả năng tư duy, sáng tạo và tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất./.
Quỳnh Anh