Corfu là đảo lớn trong quần thể đảo Ionia nằm ở phía Tây Bắc của Hy Lạp. Trên đảo có một sân bay nhỏ nối trực tiếp với nhiều thành phố của châu Âu.
Tôi hỏi anh tài xế taxi về lượng khách trong mùa dịch thế nào. Anh vui vẻ kể rằng hòn đảo rộng hơn 580 km vuông này có khoảng 102.000 người sinh sống nhưng bình thường vào dịp hè con số lên đến gấp 5 lần. Sau hơn một năm du lịch Hy Lạp bị đóng băng vì dịch bệnh, tháng 5 vừa rồi mở cửa trở lại, du lịch mới dần được hồi phục nhờ chính sách “hộ chiếu Covid-19”.
Những quyết định mềm dẻo, hợp lý của chính phủ khiến du khách cảm thấy thoải mái hơn khi vào Hy Lạp, cũng như vẫn bảo đảm được các biện pháp phòng dịch an toàn trong cộng đồng. Đến giữa tháng 11 sân bay sẽ đóng cửa nghỉ đông nhưng lượng khách hiện vẫn còn nhiều vì thời điểm này vé máy bay, khách sạn rất rẻ, khách du lịch Tây Âu thích đến để nghỉ thu.
Tác giả ở vịnh Kalami của đảo Corfu, nơi có bãi biển nước trong vắt với những viên sỏi trắng tròn vo. Ảnh: BÍCH THỦY
Tôi đã từng muốn đặt chân đến Hy Lạp, đất nước của hơn 3.000 hòn đảo. Nơi có cảnh sắc thiên nhiên độc đáo, gắn liền với bao câu chuyện huyền bí và các vị thần đầy quyền năng. Nhưng đi vào lúc nào, khi dịch Covid-19 vẫn là mối lo cản trở.
Thật tình cờ, tôi đọc được trang quảng cáo của một phòng vé. Đi đảo Corfu khởi hành từ Đức, bao vé máy bay, ăn 3 bữa, ở resort 5 sao trong 5 ngày mà giá chỉ có hơn 400 euro, tương đương khoảng hơn 10 triệu đồng. Một cái giá không tưởng và rất hợp lý trong thời điểm kinh tế eo hẹp. Sau khi hỏi qua thủ tục, chỉ cần tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 hoặc có test PCR mà không cần cách ly, tôi và cả nhà quyết định lên đường.
Khu resort của gia đình tôi ở nằm trên một bãi biển thuộc phía Tây Nam đảo, cách thị trấn cổ khoảng 30 km, có sức chứa lên đến 1.000 người. Rất nhiều bể bơi ngoài trời nằm ngay cạnh các khu nhà, nhìn thẳng ra bãi biển cát mịn. Các khu tiện ích vui chơi, spa, thể thao nằm rải rác trong resort. Khách rất đông, đa số các gia đình cùng con cái tranh thủ giá rẻ đi nghỉ dưỡng, bù cho những ngày phong tỏa, mệt mỏi vì dịch bệnh.
Nhà ăn lớn phục vụ buffet liên tục từ 6 giờ đến 22 giờ với bia, rượu vang, nước ngọt, cocktail miễn phí. Trước cửa luôn để sẵn khẩu trang và găng tay ni-lông cho mọi người sử dụng, nếu ai quên sẽ bị nhắc nhở. Ngay tại lễ tân có một phòng dành cho khách xét nghiệm PCR hằng ngày nếu chưa tiêm ngừa.
Tôi thầm nhẩm tính, riêng tiền ăn uống và tiền ở đã ngốn khá nhiều rồi, chưa kể vé máy bay, dịch vụ…, vậy họ lấy đâu ra lãi nhỉ. Rồi tôi nhủ thầm, chắc có lãi nhưng mà lãi ít. Dù sao trong thời điểm du lịch của nhiều nước đang đối mặt với muôn vàn khó khăn thì ở đây họ vẫn đang có công việc. Ngành du lịch Hy Lạp sẽ được quảng bá rộng rãi hơn, thu hút nhiều du khách hơn và dần dần sẽ trở về như cũ. Phải chăng đấy là cái được rất lớn của họ…
Điểm đến đầu tiên là Kerkyra, trung tâm đảo, được UNESCO công nhận di sản thế giới vào năm 2007. Từ trung tâm đi dọc bãi biển sẽ tới pháo đài cổ hùng vĩ bằng đá, xây dựng từ thế kỷ thứ V trước Công nguyên để bảo vệ thị trấn.
Đứng trên đỉnh pháo đài phóng tầm mắt, mới cảm nhận được hết vẻ đẹp êm đềm và duyên dáng của hòn đảo. Cách trung tâm phố cổ khoảng 10 km, nổi bật trên biển là một nhà thờ nhỏ xinh giữa bãi đá trắng.
Phía trên cao, sau rừng bách cổ thụ là cung điện Achillion, nơi nghỉ dưỡng của hoàng hậu Sisi, vợ vua Áo – Franz Joseph đệ nhất. Ngoài ra còn có nhà thờ của thánh Spyridon, pháo đài mới, bảo tàng nghệ thuật châu Á, tu viện Pantokrator… để du khách ưa thích tìm hiểu văn hóa đến thưởng ngoạn.
Về phía Bắc địa hình càng cao, nhiều đồi núi, đường đi ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, lên dốc xuống đèo. Bù lại cả nhà liên tục trầm trồ khi qua những vịnh biển xanh thăm thẳm, đẹp lung linh khi nhìn từ trên cao như ở Paleokatritsa, Porto Timoni hay nơi bãi biển ở vịnh Kalami xếp đầy sỏi trắng tròn vo, đặc biệt làn nước trong vắt. Thế mới biết vì sao vị thần biển cả Poseidon đã cùng vợ chọn đảo này làm nơi sinh sống.