Chạng vạng, Đại úy QNCN Trần Thanh Hải ra vườn hái ít rau cải để chuẩn bị bữa cơm chiều cho đồng đội. Mâm cơm dọn ra có đĩa rau cải luộc, ít cá đồng kho và trứng rán (tất cả từ sản phẩm tăng gia của đội). Bốn anh em, mỗi người một quê, về chung một mái nhà, quây quần bên bữa cơm chiều vùng biên ải. Cơm nước vừa xong cũng là lúc mưa rừng về phủ kín một thảm rừng biên cương xa thẳm. “Mưa rừng ở đây buồn lắm! Những lúc thế này lại nhớ đến vợ con ở quê nhà, chẳng biết bây giờ các con đang làm gì, có nghe lời mẹ, học bài chăm chỉ không?”, anh Hải nói với tôi mà như tâm sự với chính mình.
“Cuộc sống trên này còn gian khổ, thiếu thốn đủ đường, “quê” à!”, Thiếu tá Hoàng Cao Miện, Đội trưởng Đội sản xuất số 3 gọi tôi bằng ngôn ngữ thân mật của những người chiến sĩ nơi đây. Anh Miện lấy ví dụ, muốn ăn miếng thịt tươi, phải chạy tít xuống thị trấn Mường Lát, cách đây hơn 35km đường rừng, không thì phải chờ người bán hàng rong đưa lên. Ăn uống khổ chút cũng được, nhưng khổ nhất là khi vợ con ốm đau, bố mẹ già yếu biết tin mà không về được. Đại úy QNCN Trần Thanh Hải tâm sự: “Có lần, nhận được tin bố ốm nặng ở quê nhà (xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), tôi báo cáo cấp trên, được giải quyết cho tranh thủ về chăm sóc bố nhưng ngặt nỗi trời mưa, đường sạt nên không thể về được. Nghĩ đôi lúc chạnh lòng nhưng nhiệm vụ vẫn là trên hết. Bố mẹ, vợ con hiểu và thông cảm cho mình điều đó”.
Đối với Thượng úy QNCN Vũ Tiến Hưng, nhân viên Đội sản xuất số 5, cũng như bao đồng đội sống ở nơi khó khăn, gian khổ này, nhiều khi các anh cũng nghĩ suy, trăn trở, nhưng đó chỉ là cảm giác thoáng qua. Bởi đối với các anh, ai cũng xác định rõ quyết tâm bám biên, bám đồng bào, chung tay xây dựng thế vững vùng biên. Thượng úy QNCN Vũ Tiến Hưng chia sẻ: “Đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn còn nhiều vất vả lắm! Chúng tôi thường xuyên bám địa bàn, tuyên truyền để bà con hiểu rõ những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; hướng dẫn bà con trồng rừng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế. Một hộ áp dụng mô hình của đoàn hoặc sử dụng hiệu quả sự giúp đỡ của đơn vị, trở nên khá giả, thoát khỏi danh sách hộ nghèo là anh em vui rồi”.
Đoàn KTQP 5 đứng chân, thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn 5 xã: Pù Nhi, Tam Chung, Tén Tằn, Quang Chiểu và Mường Chanh, với tổng số 50/90 bản của huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Nhiệm vụ của đoàn là kết hợp phát triển kinh tế-xã hội trong vùng dự án với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược; tạo nên những yếu tố bước đầu cho phát triển kinh tế hàng hóa, hoạt động khuyến nông, khuyến lâm; trồng mới, chăm sóc, khai thác hiệu quả các mô hình trồng rừng; chuyển giao ứng dụng khoa học-kỹ thuật cho người dân; tổ chức sản xuất, làm nòng cốt hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Thấu hiểu những vất vả thường nhật mà cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của đoàn trải qua, thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy đoàn đã có nhiều biện pháp quan tâm, động viên kịp thời. Đại tá Hoàng Văn Sơn, Chính ủy Đoàn KTQP 5 cho biết: “Ngoài bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội đối với cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, đơn vị thường xuyên bám nắm, hiểu rõ hoàn cảnh từng đồng chí. Từ đó, có sự quan tâm kịp thời như tạo điều kiện cho các đồng chí đi tranh thủ; gửi quà, gửi lời thăm hỏi, động viên đến hậu phương các đồng chí trong dịp lễ, tết hay gia đình có việc hiếu, hỉ, bố mẹ, vợ, con ốm đau nặng”.
Bên cạnh đó, chỉ huy đoàn đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để quân nhân trong đơn vị hợp lý hóa gia đình; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn đoàn đóng quân, tạo việc làm cho vợ quân nhân, hỗ trợ các thủ tục cấp đất, xây dựng nhà để các gia đình yên tâm gắn bó lâu dài với đơn vị. Hiện tại, đơn vị có 12 gia đình quân nhân lên vùng biên Mường Lát làm ăn, sinh sống. Nhờ vậy, 100% cán bộ, nhân viên, chiến sĩ yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, với đồng bào vùng biên Mường Lát.
Bài và ảnh: HÀ THÀNH TRÌNH