Thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp… Tình trạng này đã làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước. Và quan trọng hơn, nó cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng có được hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ thì cán bộ mới có sự tự tin để làm. Cán bộ không sợ sai, không sợ trách nhiệm, dám năng động, sáng tạo, chỉ khi có được sự bảo vệ dựa trên cơ sở vững chắc của các quy định pháp luật.
Hội chứng sợ sai
Tâm lý sợ sai không dám làm, thu mình lại với quan niệm “không làm không sai” xuất hiện “ngày càng nhiều” kể từ sau đại dịch COVID-19. Có người ví von rằng, nếu như COVID-19 rút cạn sức lực của đội ngũ nhân viên y tế, thì các cuộc thanh tra, kiểm tra diễn ra sau đó được ví như những cơn gió, làm “lạnh sống lưng” nhiều người vừa bước ra từ cuộc chiến với đại dịch. Đây là bối cảnh “giọt nước tràn ly” khiến nỗi sợ lan rộng trong ngành y tế, dẫn tới hàng loạt hệ luỵ, trong đó nghiêm trọng nhất là tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế cho các bệnh viện công lập. Tương tự, hàng nghìn héc-ta đất bị bỏ hoang hóa nhiều năm có nguyên nhân cả khách quan, chủ quan và từ chính các nhà đầu tư. Một số dự án gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng do chính sách thay đổi qua nhiều thời kỳ; Công tác giải quyết thủ tục hành chính liên quan tới các dự án có vốn ngoài ngân sách sử dụng đất còn chậm. Một số chủ đầu tư cố ý chây ì không làm thủ tục, chậm phối hợp giải phóng mặt bằng đưa đất vào sử dụng.
Hay việc chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng không phải là chuyện mới. Gần hết quý 1 năm 2023 nhưng vẫn còn 33 bộ, ngành cơ quan Trung ương và 55 địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương; trong đó đáng chú ý là Bộ Y tế chưa thực hiện phân bổ (tức là 0%) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023. Nguyên nhân của tình trạng chậm chạp này được cho là do giá vật liệu xây dựng tăng cao, tác động của dịch COVID-19 khiến thời gian thực hiện dự án kéo dài. Bên cạnh đó còn do năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu và đặc biệt do tâm lý sợ sai, quan niệm “không làm để bảo toàn cá nhân” của không ít cán bộ.
Chỉ ra nguyên nhân để có giải pháp triệt tiêu tâm lý “sợ sai”, “sợ trách nhiệm”, bà Phạm Khánh Phong Lan – Chủ tịch Hội Dược học Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ở đây chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật đối với một số vấn đề, dẫn đến tình trạng “đối với vấn đề này áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra thì lại sai. Áp dụng vào thời điểm này thì đúng, nhưng sau đó kiểm tra thời điểm khác thì lại sai”.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết: “Bằng chứng là tôi đi giám sát thực tế đến một số tỉnh, thành, ý kiến cho rằng: Lúc dịch bệnh “chống dịch như chống giặc” thì họ tích trữ thuốc theo Nghị quyết 30 của Quốc hội. Họ nghĩ có Nghị quyết của Quốc hội cứ thế làm. Nhưng khi thanh tra, kiểm toán vào thì kiểm toán theo pháp luật hiện hành. Chưa kể bây giờ còn đối mặt với lao tù, không ai dám làm, sợ”.
Theo PGS.TS Đoàn Thế Hanh – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, việc chưa hoàn thiện các quy định pháp luật cũng chỉ là yếu tố khách quan. Nguyên nhân chủ quan đó là yếu tố con người mới là chính. Bởi thực tế đã chứng minh, ở đâu người đứng đầu và cấp uỷ quan tâm, cán bộ dám đột phá thì ở đó mức độ hoàn thành nhiệm vụ rất cao: “Tôi cho rằng, sợ sai và không dám quyết ở hai dạng. Dạng thứ nhất là không nắm vững chủ trương, đường lối quan điểm của Đảng mới sợ sai. Nếu nắm vững rồi thì trên cơ sở quan điểm chủ trương, chính sách, thậm chí cả những để xuất lên để xin phép làm thí điểm thì không sợ sai. Thứ hai là kém về phẩm chất đạo đức, chưa đủ, chưa ngang tầm chứ. Nếu vì dân vì nước thì hy sinh vẫn cứ làm”.
Thực tế, trong bối cảnh khó khăn, năm 2022 vẫn có 8 bộ, ngành cơ quan Trung ương và 30 địa phương hoàn thành 100% kế hoạch được giao. Đây là nguyên nhân và minh chứng thực tế về bản lĩnh của cán bộ.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, chỉ trong lúc khó khăn nhất mới thấy được năng lực, ý chí của những người dám đổi mới. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm cho rằng: Các khâu giải ngân đầu tư công liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cơ quan nhiều nội dung chính sách pháp luật. Trong đó có cả những nội dung chưa thực sự là rõ ràng, còn chồng chéo, làm cản trở, làm khó khăn cho quá trình thực hiện giải ngân đầu tư công. Chính những khó khăn này làm cho một bộ phận cán bộ nếu như không mạnh dạn, không dám nghĩ, dám làm, quyết đáp, không dám chịu trách nhiệm thì sẽ “chùn tay”.
Mình làm việc công tâm, khách quan thì sao phải sợ?
Thời gian qua, công cuộc đấu tranh phòng chống, tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước đạt được nhiều thành quả tích cực, được nhân dân đồng lòng, phấn khởi. Theo đó, việc xử lý những cán bộ nhúng chàm, tham nhũng, lạm dụng… theo quy định pháp luật là cần thiết và thường xuyên, đó là chức trách nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ pháp luật. Cán bộ công chức phải nhìn vào những bài học đó mà rút kinh nghiệm, rèn luyện bản thân để cống hiến, làm việc tốt hơn chứ không phải để co lại, sợ sai. Mình làm việc công tâm, khách quan thì sao phải sợ?
Tuy nhiên, bên cạnh việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, các cơ quan chức năng cũng cần tự tay “bốc thuốc” cho mình, nhanh chóng thay đổi, chỉnh sửa những bất cập trong không ít quy định thực thi công vụ. Một việc mà nhiều quy định quá, quy định này lại trái, chồng chéo với quy định kia cũng gây khó khăn cho cán bộ, công chức. Không làm thì trì trệ, làm thì không biết theo quy định nào là đúng…
Theo PGS.TS Lê Quốc Lý – nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã đến lúc phải nhìn thẳng vào căn nguyên của vấn đề và cần thay đổi cách đánh giá cán bộ. Ông Lê Quốc Lý cho rằng, cần đánh giá cán bộ một cách định lượng với những tiêu chí rất cụ thể, khoa học chứ không thể đánh giá theo kiểu định tính, chung chung. Có thể gọi đó bộ KPI – chỉ số đánh giá thực hiện công việc. KPI sẽ giúp hiểu rõ một công ty, một đơn vị kinh doanh hay một cá nhân đang thực hiện công việc tốt đến đâu so với các mục tiêu chiến lược đã đề ra. “Trong một năm, một cán bộ ở vị trí của mình làm được những gì, kết quả thế nào phải hết sức cụ thể, chứ không chung chung, đại khái. Nếu một cán bộ ở vị trí lãnh đạo mà lúc nào cũng giữ mình tròn trĩnh, không hành động vì lợi ích chung sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Mà hệ lụy lớn nhất là đánh mất niềm tin của nhân dân”, ông Lê Quốc Lý cho biết.
Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, nếu như trước đây, kiểu cán bộ làm việc “tròn trĩnh” thường an toàn, có khi lại được cất nhắc, nhưng bây giờ cần phải thay đổi cách đánh giá. Người nào “tròn trĩnh” mà né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thì không hoàn thành nhiệm vụ.
Theo đó, đánh giá cán bộ lãnh đạo cần phải định lượng trên các tiêu chí: Giải ngân đầu tư công và tăng trưởng kinh tế thế nào, đời sống nhân dân có được cải thiện không, người dân có hài lòng không? Đảng và Nhà nước cần “đặt hàng” những nhiệm vụ rất cụ thể sát với thực tiễn cho cán bộ và xem họ có đạt KPI không từ đó mới có cách đánh giá toàn diện, là cơ sở để thay thế, điều chuyển hay cất nhắc, bổ nhiệm vị trí mới cao hơn.
Công cuộc đổi mới từ Đại hội Đảng lần thứ VI bắt đầu từ việc nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật. Theo đó, muốn có giải pháp trị căn bệnh “sợ trách nhiệm”, trước hết cần phải nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật.
Ông Lê Quốc Lý cho rằng, cán bộ không thể “giậm chân tại chỗ” mà vẫn “hoàn thành nhiệm vụ” được. Do đó, cần phải có một lực đẩy để những người trong bộ máy công quyền tiến về phía trước, nếu không tiến sẽ bị loại ra khỏi hệ thống. Bởi vì trong bối cảnh hiện nay, tình hình trong nước và thế giới có nhiều khó khăn thì cán bộ đảng viên càng cần phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, năng động sáng tạo chứ không phải tìm cách né tránh, đùn đẩy.
Về lâu dài, cần đẩy mạnh rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là lĩnh vực kinh tế xã hội còn vấn đề phát sinh, khó khăn vướng mắc; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cụ thể và việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Bên cạnh đó, ngoài việc kịp thời điều chuyển, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, nhất là cán bộ lãnh đạo mà không chờ hết nhiệm kỳ, thì việc đồng hành, khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, hành động đột phá vì lợi ích chung của những cán bộ có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm cũng rất quan trọng.
Theo ông Vũ Văn Phúc – Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, để loại bỏ những cán bộ ỉ lại tập thể, sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán, cần thực hiện theo tinh thần lãnh đạo Đảng đã nói: Ai nhụt chí thì đứng sang một bên cho người khác làm. Bên cạnh đó phải chọn đúng cán bộ. Nếu trót chọn sai người thì phải thay ngay mà không chờ hết nhiệm kỳ. Còn những cán bộ nào cố tình gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm thì phải xử lý nghiêm, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.
Trước đó, trong Nghị quyết số 74/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân né tránh, đùn đẩy công việc, thoái thác nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định các vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền; thực hiện việc luân chuyển, xử lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Tinh thần này tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh tại diễn đàn Quốc hội ngày 31/5. Thêm vào đó, Bộ trưởng cho rằng, cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi công vụ. Bởi thực tế cho thấy, nơi nào người đứng đầu quyết tâm, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo dẫn dắt thì nơi đó thành công, kỷ cương, kỷ luật công vụ tốt.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đề nghị cơ quan kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục nghiên cứu, phân loại vụ việc vi phạm, sai phạm có tính chất, mức độ, động cơ nếu không vụ lợi cá nhân, không tham ô, tham nhũng thì khoan dung, khoan hồng hơn nữa để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Khánh An