DNVN – Chia sẻ tại “Diễn đàn kết nối sản phẩm khoa học công nghệ với doanh nghiệp, HTX, người dân”, chiều ngày 10/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng cần minh bạch hóa các dự án khoa học công nghệ (KHCN), tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp tham gia sâu hơn.
Chia sẻ tại diễn đàn, TS Nguyễn Công Tiệp – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện là đơn vị đứng đầu trong công tác nghiên cứu, giảng dạy. Bên cạnh việc đào tạo, học viện tăng cường các hoạt động nghiên cứu với phương châm nghiên cứu cái thị trường cần.
10 năm qua, học viện đã có 53 sản phẩm đã được đăng ký sở hữu trí tuệ; 163 sản phẩm có tính tiềm năng có thể thương mại hóa. Công bố gần 3.000 bài báo KHCN trên các trang tạp chí trên thế giới. Học viện hiện đang hợp tác, liên doanh với khoảng 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
“Chúng tôi chủ trương nghiên cứu các đề tài đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các HTX, doanh nghiệp, nhà sản xuất… hãy đặt hàng học viện để chúng tôi từ nghiên cứu sẽ triển khai vào ứng dụng, nâng cao giá trị nông sản”, ông Tiệp mời gọi.
Các đại biểu bàn thảo về giải pháp kết nối sản phẩm KHCN trên lĩnh vực nông nghiệp với doanh nghiệp, HTX.
Bà Trần Kim Liên – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) cho biết, từ năm 2006 đến nay, Vinaseed đã phối hợp với các viện nghiên cứu công lập để chuyển giao sản phẩm KHCN vào sản xuất. Những giống này chiếm khoảng 50% cơ cấu doanh thu của công ty.
“Hợp tác công – tư là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay để tận dụng tối đa nguồn lực xã hội, kết nối nghiên cứu với thị trường. Doanh nghiệp kỳ vọng khối tư nhân sẽ có nguồn thông tin cụ thể về dự án, từ đó tìm kiếm các cơ hội đầu tư.
Chúng tôi muốn đi chặng đường dài hơi, tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam”, bà Liên bày tỏ.
Chủ tịch Vinaseed kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyển chọn các ý tưởng từ các viện, trường. Dựa trên cơ sở khoa học, công nghệ, xác định các danh mục đầu tư cụ thể. Từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đồng tình với kiến nghị của Vinaseed và cho rằng, cần minh bạch hóa các dự án khoa học của bộ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp tham gia sâu hơn.
Ông Trần Trung Đức – Chủ tịch, Giám đốc HTX chuối Viba (đơn vị sản xuất chuối uy tín, lớn nhất miền Bắc) chia sẻ, HTX chuối Viba xuất phát là doanh nghiệp cung ứng hoa quả, nên hiểu thị trường. Khi có doanh số tốt, doanh nghiệp đã quay lại phát triển vùng trồng.
HTX chuối Viba hiện đang trồng giống chuối tiêu hồng cấy mô không biến đổi gen (Non-GMO). Sản phẩm do Viện rau quả Trung ương nghiên cứu sản xuất, cho phẩm chất chất lượng cao, đồng nhất như nhau. Hiện chuối tiêu hồng hiện đang trồng tại các trang trại ở Hòa Bình và Hưng Yên, theo quy trình trồng VietGAP.
“Đưa sản phẩm ra thị trường là một quá trình dài và luôn phải trao đổi qua lại với nhà khoa học. Khi người tiêu dùng thay đổi yêu cầu, doanh nghiệp phải đáp ứng được.
Để chỉnh sửa sản phẩm thì phải có các nhà khoa học. Họ là những người đồng hành, đồng hành thực sự, chứ không phải là ký hợp đồng xong là thôi”, ông Đức nói.
Chủ tịch, Giám đốc HTX chuối Viba bày tỏ mong muốn vươn ra thị trường thế giới, không bó buộc trong nội địa. Là doanh nghiệp nhỏ, không nhiều vốn, nguồn lực, nên HTX muốn có các sản phẩm mẫu từ các viện nghiên cứu để có thể điều chỉnh, tính toán nhu cầu khách hàng nhanh hơn.
Gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm KHCN ngành nông nghiệp.
Đưa ra 5 vấn đề để thúc đẩy kết nối, chuyển giao kết quả sản phẩm KHCN, GS, TS Võ Đại Hải – Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam cho rằng, muốn kết nối sản phẩm KHCN tốt, cần phải có nhiều sản phẩm tốt, mới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hỗ trợ để số hóa các sản phẩm KHCN. Giúp doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn với quá trình số hóa.
“Cần thay đổi cách tiếp cận. Doanh nghiệp tìm đến các nhà khoa học và ở nhiều ngược lại, các nhà khoa học cũng cần tìm đến các doanh nghiệp để thúc đẩy KHCN. Trong hợp tác, liên kết chuyển giao KHCN cần đặt chữ “tín” lên hàng đầu”, ông Hải nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ sự kiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức “Không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm KHCN ngành nông nghiệp”. Nhiều thành tựu KHCN mới được giới thiệu tại đây.
Chuỗi sự kiện là cầu nối để hình thành, phát triển, lan tỏa nhiều ý tưởng, dự án hợp tác nghiên cứu chuyển giao. Thu hút được mọi nguồn lực xã hội để đồng hành với ngành nông nghiệp và bà con nông dân. Đồng thời, mang những công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào thực tiễn sản xuất.
Ngân Hà
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/minh-bach-du-an-khoa-hoc-cong-nghe-de-doanh-nghiep-nong-nghiep-tham-gia-sau/20240710050117669