Trước đó, từ đề nghị của dân làng Dạ Lê Chánh, Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế vào tìm hiểu. Sau hơn 6 tháng điền dã, nghiên cứu, ngày 24/6 tại hội trường UBND phường Thủy Vân (thành phố Huế), Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế đã tổ chức tọa đàm để thông báo kết quả ban đầu.
Dẫn lại lịch sử, các nhà nghiên cứu cho hay, sau khi thống nhất đất nước, năm 1802 vua Gia Long đem tù binh Tây Sơn ra làm lễ Hiến phù ở Thái Miếu. Hầu hết tù binh nhà Tây Sơn, từ vua và hoàng gia cho đến quan quân đã bị hành quyết hết sức dã man. Lăng mộ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ bị quật phá, xương cốt bị nghiền nát, vất đi.
Hộp sọ, một phần thi thể của Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Quang Toản bị bỏ trong ba cái vò tống giam ở nhà Đồ Ngoại. Năm Minh Mạng thứ 2 (1822), 3 cái vò ấy được chuyển vào ngục thất, giam giữ trong những ngăn, cách biệt nhau, bị xích lại và các cánh cửa các ngăn ấy đều bị niêm phong. Mỗi tháng đều có một phái đoàn đặc biệt đến xem xét, xác nhận lại sự giam giữ ấy. Ngục thất, hay Khám Đường, nằm ở góc Tây – Nam của kinh thành Huế, nay thuộc phường Tây Lộc.
Theo nhà nghiên cứu Phạm Thanh Tùng, từ nhiều nguồn tư liệu cho thấy cai ngục, lính canh và cả tù nhân đương thời đã bí mật lập bàn thờ thờ ba “ông vò” với mong muốn được linh phò hộ mạng. Nhiều thế hệ cai ngục và tù nhân nơi Ngục Thất – Khám Đường đã chung sống, và kính cẩn thờ ba “ông vò” trong suốt 63 năm. Cho đến ngày Thất thủ kinh đô Huế – 1885 thì cả ba “ông vò” đã biến mất trong cuộc tháo chạy của quan quân triều đình và của tù nhân trong Ngục Thất.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỉ XX, nhiều người Huế truyền đời câu chuyện, sau chính biến Thất thủ kinh đô có một nhân vật trong triều đã ôm hai chiếc vò đi về hướng Đông – Nam kinh thành Huế, một vò còn lại bị thất lạc. Có giả thuyết, những chiếc vò ấy vào Bình Định, nhưng quá trình nhiều năm khảo cứu không có kết quả.
Về sau, có giả thuyết, những vò xương này được chôn cất ở Miếu Đôi, làng Dạ Lê Chánh. Quá trình tìm hiểu, ông Tùng đã cho biết, các vị cao niên đều kể rằng, họ được ông, cha truyền khẩu: sau chính biến kinh thành đêm 23 tháng 5 năm Ất Dậu (5/7/1885) vua Hàm Nghi và triều đình rút ra phòng thành Tân Sở (Quảng Trị) thì tù nhân phá Ngục Thất ôm hai “ông vò” đựng hộp sọ của hai anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ chạy về chôn cất trên một cồn đất ở cuối làng Dạ Lê Chánh.
Từ đây nhìn sang bên kia cánh đồng, hướng Đông Nam, thấy rõ làng Thanh Thủy Chánh (làng Cầu Ngói); nhìn sang phía Đông Bắc là làng Vân Thê. Về sau, theo dòng thời gian, lũ lụt xóa mất dấu tích hai nấm mồ. Dân làng sợ ăn ở không yên nên đã dựng lên hai cái miếu nằm cạnh nhau thờ người đã khuất trong hai ngôi mộ đã mất dấu. Được truyền khẩu về danh tính của nhân vật dưới mộ là vua Quang Trung – Nguyễn Huệ và anh ruột là vua Thái Đức – Nguyễn Nhạc nên công việc xây dựng cũng như trùng tu miếu thờ được giữ kín tiếng vì sợ hệ lụy đến cả làng.
Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế, qua nghiên cứu có thể khái quát nơi chôn hai vò xương sọ phải ẩn mình trong cánh đồng; nơi đó phải nằm trên ruộng công, khó xác định được người trách nhiệm để bắt tội; dù phải trốn tránh cẩn mật nhưng phải uy nghiêm tỏ lòng tôn kính đối với các bậc thiên tử;ị trí tọa lạc của miếu phải nằm “phía bên kia cầu Ngói Thanh Toàn”. “Phải chăng đó là Miếu Đôi ở làng Dạ Lê Chánh?”, ông Xuân đặt vấn đề.
Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu tỏ ra thận trọng cho rằng, nếu đúng là cái nơi ấy đã từng được những người cướp ngục thất bí mật đem đến chôn cất hai “vò sọ”, sau bị lũ lụt cuốn trôi mất, người làng nhớ việc hiển linh nên lập miếu thờ thì cần phải tiếp tục nghiên cứu. Theo ông Thu, riêng chuyện lập ngôi miếu đôi thờ ai thì “không rõ” nhưng hiện hữu là có thật, hiện ngôi miếu vẫn còn và đã được trùng tu nhiều lần, lần đầu tiên diễn ra dưới triều Duy Tân năm 1911 cách nay cũng đã hơn 100 trăm năm rồi.
Dù miếu thờ không bài vị, sắc phong, không một dòng lạc khoản ghi chép. Nhưng những ai mà được Nhân dân trọng vọng, lập am miếu thờ tự, lòng tự lòng âm thầm bảo vệ, truyền chân lặng lẽ đều có cơ sở như một nguồn tư liệu dân gian xác tín với lịch sử và cả với thần linh đều phải ghi nhận: Thương dân, dân lập miếu thờ.
N. M