Cùng với cả nước, các địa phương khu vực miền Trung đã và đang triển khai nhiều giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và đạt được nhiều kết quả…
Thực hiện nhiệm vụ gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thuỷ sản; Chính phủ cũng đã phê duyệt Nghị quyết số 52/NQ-CP về việc ban hành chương trình hành động và kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW…
Cùng với cả nước, các địa phương trong khu vực miền Trung đã và đang nỗ lực thực hiện nghiêm túc việc quản lý đội tàu, xử lý dứt điểm tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép)…. với mức độ, tần suất quyết liệt hơn. Cùng với đó, tiếp tục quyết liệt thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản; tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động để chống khai thác IUU…
Tại Quảng Nam, việc tăng cường quản lý, kiểm soát chặt tàu cá; chú trọng truy xuất nguồn gốc hải sản là các giải pháp cấp bách để Quảng Nam cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, thời gian qua, ngành thủy sản địa phương phối hợp chặt chẽ với các lực lượng biên phòng, kiểm ngư, chính quyền các địa phương có nghề cá tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định.
Các địa phương trong khu vực miền Trung đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm gỡ “thẻ vàng”. |
Đến nay, các thuyền trưởng tàu cá Quảng Nam đều thông báo trước 1 giờ khi cập cảng. Văn phòng Kiểm soát nghề cá khi thu nhận nhật ký khai thác của ngư dân đã kiểm tra đối chiếu đầy đủ các thông tin dữ liệu đảm bảo nội dung nhật ký khai thác khoa học, trung thực. Quảng Nam cũng thực hiện nghiêm xử phạt nếu tàu cá cập cảng lên cá mà không có nhật ký khai thác hoặc nhật ký khai thác ghi chép không đúng, không đủ theo quy định.
Ở địa phương lân cận là Quảng Ngãi, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU tỉnh, tổng số tàu cá của tỉnh đã đăng ký đến tháng 6/2024 là 4.212 chiếc. Hiện có 3.659 tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản, đạt tỷ lệ 86,87%. Đến nay, toàn tỉnh có 2.950 tàu cá có chiều dài 15m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt tỷ lệ 99,46% trên tổng số tàu đang hoạt động.
Tuy nhiên, tính đến tháng 6/2024 địa phương cũng đã phát hiện 42 lượt tàu cá từ 24m trở lên mất kết nối trên 10 ngày trên biển. Có 624 lượt tàu cá mất kết nối trên 6 giờ đến dưới 10 ngày. Qua hệ thống giám sát tàu cá (đối với tàu cá từ 15m trở lên do địa phương quản lý) đã phát hiện 558 tàu cá mất kết nối trên 10 ngày. Đã xử lý 256 trường hợp, xử phạt 15 trường hợp. Phát hiện 6 tàu cá vượt ranh giới cho phép…
Trước thực trạng tình trạng tàu cá mất kết nối còn xảy ra ở Quảng Ngãi, mới đây tại buổi làm việc với chính quyền địa phương, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc giám sát đội tàu của Quảng Ngãi còn yếu, số lượng tàu mất kết nối còn cao nhưng xử lý đạt thấp. Bởi vậy, Quảng Ngãi cần rà soát lại số lượng tàu thuyền trên địa bàn tỉnh, đảm bảo việc lắp đặt các thiết bị giám sát tàu cá. Tăng cường công tác kiểm tra tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản tại cảng, giám sát nhật ký khai thác thủy sản và xác nhận, chứng nhận thủy sản từ khai thác để sớm gỡ “thẻ vàng”.
Xử lý nghiêm những tàu cá cập cảng mà không có nhật ký khai thác hoặc nhật ký khai thác ghi chép không đúng, không đủ theo quy định. |
Trong khi đó, tại Bình Định mới đây UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản Bình Định.
Theo đó, kế hoạch đặt ra một số mục tiêu trong năm 2024 như: Nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác chống khai thác IUU; triển khai đồng bộ, quyết liệt pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ; kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; bố trí nguồn lực và thanh tra, kiểm tra, giám sát…
Tại Bình định, tính đến ngày 15/6/2024, toàn tỉnh có 5.297 tàu cá dài từ 6 mét trở lên được đăng ký. Trong đó, 3.744/4.075 tàu cá còn hạn đăng kiểm (chiếm 91,88%) được cập nhật trên hệ thống Vnfishbase; 4.987/5.297 tàu cá được cấp phép khai thác; 3.213 tàu đang hoạt động (100%) đã trang bị thiết bị giám sát hành trình.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh đã phát hiện 2 lượt tàu vượt ranh giới cho phép trên biển (giảm 30% so với cùng kỳ) và yêu cầu toàn bộ 2 tàu này quay về vùng tự do đánh bắt của Việt Nam an toàn. Đồng thời, phát hiện 7 trường hợp mất kết nối trên 10 ngày (giảm 49 lượt so với năm 2023), xử phạt vi phạm hành chính 6/7 trường hợp với tổng số tiền 145 triệu đồng; trường hợp còn lại do tàu cá hoạt động khai thác và về bến ngoài tỉnh nên tỉnh đã có văn bản đề nghị địa phương nơi tàu về bến phối hợp xử lý…
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/mien-trung-chung-suc-cung-ca-nuoc-go-the-vang-152724.html