Ngày 16-9, Bộ Y tế có công văn về việc bảo đảm công tác khám, chữa bệnh, hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lụt.
Theo Bộ Y tế, cơn bão số 3 với cường độ rất mạnh và mưa lụt, sạt lở sau bão đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người, tài sản, công trình công cộng và dân sinh. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh bị ảnh hưởng và hư hại, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hòa Bình…
Trong bối cảnh đó, các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế… vẫn kiên cường đứng vững, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân. Theo báo cáo nhanh của các địa phương, cho đến nay không có trường hợp nào không được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Bộ Y tế đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương tinh thần hy sinh, lao động quên mình của đội ngũ nhân viên y tế tại các địa phương.
Để tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm khắc phục nhanh chóng hậu quả của bão, lụt, duy trì và đảm bảo các điều kiện nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện tại các tỉnh, thành phố khác có điều kiện về chuyên môn, không bị ảnh hưởng bão, lụt sẵn sàng chi viện.
Đồng thời thành lập đoàn công tác để tăng cường nhân lực điều trị và phòng chống dịch bệnh cho các bệnh viện tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 trong trường hợp cần thiết… Hỗ trợ, kết nối hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa, tiếp nhận người bệnh…
Bên cạnh đó, các bệnh viện, cơ sở y tế tại các vùng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, tiếp tục phát huy tinh thần “lương y như từ mẫu” của người thầy thuốc, sẵn sàng, hết lòng phục vụ người bệnh. Trường hợp vượt quá khả năng, đơn vị chuyển cơ sở khác hoặc đề nghị hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa.
Bộ Y tế lưu ý không thu viện phí các khoản không được bảo hiểm y tế thanh toán đối với các nạn nhân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp chi phí điều trị và báo cáo sở y tế.
Các đơn vị phối hợp tiếp nhận, phân phối, sử dụng các khoản hỗ trợ của tổ chức, cá nhân, theo đúng quy định của pháp luật.
Sở y tế các tỉnh, thành phố cần tăng cường giám sát thực tế, chỉ đạo sát sao, nắm chắc tình hình của các cơ sở y tế tại địa phương và hỗ trợ ngay nếu cần thiết để khắc phục nhanh nhất các thiệt hại, đưa hoạt động khám, chữa bệnh trở lại bình thường.
Bên cạnh đó, chỉ đạo CDC phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện công tác đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh. Các cơ sở chuẩn bị sẵn sàng phương án đối phó với kịch bản dịch bệnh gia tăng sau bão lũ và các bệnh như tiêu chảy, ngộ độc, viêm da…
Các đơn vị tổng hợp chi phí điều trị của các nạn nhân trên địa bàn và các thiệt hại do bão lụt, báo cáo UBND tỉnh để có phương án giải quyết kịp thời.
Nguồn: https://tuoitre.vn/mien-phi-dieu-tri-cho-nan-nhan-bi-thuong-do-bao-lu-20240916164829868.htm