“Thành phố nên có chính sách hỗ trợ, bao cấp kinh phí (bao gồm miễn học phí) đến hết cấp THCS ở các trường công lập đại trà phổ cập giáo dục cơ bản cho toàn bộ trẻ em của thành phố”, GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu ý kiến.
Đề xuất miễn học phí đến hết cấp THCS cho học sinh Hà Nội
Tại Hội thảo khoa học quốc gia Diễn đàn văn hóa và giáo dục mùa Thu lần thứ nhất với chủ đề “70 năm văn hoá, giáo dục Thủ đô – Hành trình kiến tạo và phát triển” tổ chức ngày 8/11 tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu kiến nghị: “Thành phố Hà Nội nên có chính sách hỗ trợ, bao cấp kinh phí (bao gồm miễn học phí) đến hết cấp THCS ở các trường công lập đại trà phổ cập giáo dục cơ bản cho toàn bộ trẻ em của thành phố”.
Đây cũng là một trong những kiến nghị về “Đổi mới Giáo dục Thủ đô Hà Nội 70 năm hành trình trong phát triển: nhìn từ góc độ giáo viên” của GS.TS. Nguyễn Quý Thanh và PGS.TS. Nguyễn Chí Thành Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo GS Thanh, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước, với đặc điểm dân số tăng trưởng cả tự nhiên và cơ học. GS Thanh đề xuất thêm các nội dung để phát triển giáo dục Thủ đô như quy hoạch mạng lưới giáo dục theo phân tầng chất lượng và địa lý. Thay vì qua hoạch dựa vào địa giới hành chính, cần có quy hoạch phân tầng chất lượng kết hợp với theo khu vực (ví dụ: nội thành, ngoại thành, các thành phố vệ tinh) để xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp, đầu tư đảm bảo số lượng trường công lập theo dân số.
Bên cạnh việc sáp nhập một số trường Tiểu học và THCS cũng cần chú ý phát triển mô hình “giáo viên liên trường” cho các môn đặc thù. Đặc biệt cần chú ý xây bồi dưỡng và đào tạo các nhân viên “bảo mẫu”, đề xuất mở các chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ cho bảo mẫu, đặc biệt là cho nhóm trẻ từ 0 đến 3 tuổi, nhằm chuẩn hóa đội ngũ và cải thiện chất lượng giáo dục mầm non.
Đào tạo kỹ năng theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên Thủ đô và để giáo dục Hà Nội xứng tầm với vị thế, cần đầu tư thêm vào cơ sở vật chất, phát triển công nghệ giáo dục, và tăng cường hợp tác quốc tế hoá trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.
90 bài viết, tham luận khoa học về văn hoá và giáo dục Thủ đô
Hội thảo khoa học với chủ đề “70 năm văn hoá và giáo dục Thủ đô – Hành trình kiến tạo và phát triển” tổ chức tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhằm tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học, học giả, chuyên gia, nhà quản lý, sinh viên… trao đổi học thuật, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm liên quan tới văn hóa và giáo dục trong bối cảnh hội nhập; đồng thời tổng kết những thành tựu văn hóa, giáo dục Hà Nội sau 70 năm giải phóng Thủ đô.
Phát biểu tại hội thảo, TS Đỗ Hồng Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, bày tỏ: Hội thảo không chỉ là một sự kiện khoa học đơn thuần mà còn là một hành trình trở lại, một cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa giữa những người yêu văn hóa, hết lòng vì giáo dục và mong muốn góp sức vào sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước. Đây cũng là sự biểu hiện cho ý thức trách nhiệm, tấm lòng, tình cảm trân quý của thế hệ hôm nay cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, giáo dục Thủ đô – Hành trình kiến tạo và phát triển.
Hội thảo là một trong các hoạt động chính thuộc chuỗi sự kiện Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Trường Đại học Thủ đô Hà Nội (6/1/1959 – 6/1/2024) và 10 năm thành lập Trường Đại học Thủ đô Hà Nội (31/12/2014 – 31/12/2024).
Nguồn: https://danviet.vn/hieu-truong-mot-truong-de-xuat-mien-hoc-phi-den-het-cap-thcs-cho-hoc-sinh-ha-noi-2024110815500624.htm