HƯNG YÊN Giá miến dong hiện đã lên tới 50 nghìn đồng/kg nhưng người làng nghề vẫn không có lãi vì giá tinh bột dong riềng phục vụ chế biến miến liên tục tăng cao.
Chưa khi nào những người làm nghề chế biến miến dong ở thôn Lại Trạch (xã Yên Phú, Yên Mỹ, Hưng Yên) lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Nguyên nhân cơ bản do giá nguyên liệu (tinh bột dong riềng) đầu vào cho sản xuất miến liên tục tăng cao do nguồn cung khan hiếm.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc HTX Chế biến Miến dong Lại Trạch cho biết: Hiện giá miến bán tới 50 nghìn đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước 13 – 14 nghìn đồng/kg nhưng người sản xuất vẫn không có lãi. Ngoài ra, mùa vụ chế biến miến Tết thời tiết có mưa nhiều, sợi miến thái ra không thể phơi khô, bị mốc phải bỏ đi cũng góp phần đẩy giá miến lên cao.
Nhà ông Thắng cũng có nghề gia truyền làm miến dong, hiện bình quân mỗi ngày ông có thể chế biến được trên 2 tấn miến khô. Tuy nhiên gần một tháng nay trời liên tục sập sùi, lúc nắng lúc khô nên ông chỉ có thể đưa vào vận hành 50% công suất máy móc. Vừa làm, ông Thắng vừa phải nghe ngóng, lựa theo thời tiết mà vẫn bị mốc hơn 100kg miến dong do không có nắng để phơi khô sợi miến. Tuy nhiên ông Thắng khẳng định cứ nắng ngày nào là ngày đó ông có từ 1 – 2 tấn miến đưa ra thị trường, không để các mối hàng thiếu miến dong bán Tết.
Theo ông Quách Văn Tân, Phó Giám đốc HTX Chế biến Miến dong Lại Trạch, giá miến tăng cao còn do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, bởi hầu như gia đình nào vào dịp Tết Nguyên đán cũng phải mua dùng tối thiểu 0,3 – 0,5kg miến dong trở lên, nhất là với khu vực nông thôn vì miến dễ ăn, dễ chế biến thành nhiều món xào, nấu hoặc làm nem cuốn đều rất ngon. Miến dong được ví như cơm tẻ của người Việt, đặc biệt trong miến gần như không có đường, bột và chất béo, rất phù hợp cho những người ăn kiêng, tiểu đường, khuyết áp, tim mạch…
Ông Phạm Văn Thực, Trưởng thôn Lại Trạch cho biết, toàn thôn có hơn 20 hộ sản xuất miến dong, được hoạt động theo mô hình HTX từ năm 2017. Nếu thời tiết khô hanh hoặc có nắng, chỉ một ngày HTX cũng chế biến, cung ứng ra thị trường được trên 40 tấn miến dong các loại. Trước tình hình giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, các hộ trong HTX đều xác định kể cả hoà vốn cũng vẫn phải sản xuất, cung ứng đủ cho nhu cầu để giữ chân khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, thương lái chuyên cung ứng tinh bột dong riềng cho làng nghề Lại Trạch cho hay, giá nguyên liệu sản xuất miến dong tăng cao do toàn bộ nguồn tinh bột dùng cho chế biến miến dong đều mua từ các tỉnh miền núi phía Bắc (Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng). Tuy nhiên năm nay, diện tích trồng cây dong riềng ở các địa phương này đều suy giảm nghiêm trọng, phần do những năm trước giá dong riềng củ quá rẻ nên bà con thu hẹp diện tích trồng, phần khác do người dân các tỉnh miền núi phía Bắc đang đẩy mạnh chuyển đối sang trồng các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao hơn.
“Giá miến dong Tết dự báo sẽ còn tăng cao thời gian tới. Nhưng theo quy luật cung cầu, sang năm 2024, diện tích trồng dong riềng sẽ được mở rộng hơn, nguồn cung tinh bột dong riềng sẽ gia tăng trở lại. Năm nay hộ nào trồng 1 mẫu (3.600m2) dong riềng chắc chắn thu hoạch được trên dưới 1 tỷ đồng”, ông Hùng khẳng định.
Ông Đỗ Xuân Kính, thành viên trong HTX Chế biến Miến dong Lại Trạch cho hay, hiện nay các hộ chế biến miến trong làng đều đã đầu tư được dây chuyền cơ giới hoá các công đoạn sản xuất nặng học, chỉ còn khâu bao gói và phơi khô sợi miến phải thực hiện thủ công và phụ thuộc vào thời tiết. Vì vậy mỗi ngày chỉ cần có khoảng 2 giờ nắng là cả làng sẽ có hàng chục tấn miến dong bán cho khắp các tỉnh, thành trong toàn quốc.
Ông Nguyễn Đình Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phú thông tin, thôn Lại Trạch đã được UBND tỉnh Hưng Yên cấp bằng công nhận “Làng nghề truyền thống chế biến miến dong Lại Trạch năm 2012”. Để đảm bảo chất lượng miến cho người tiêu dùng, hàng năm, xã đều phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh kiểm tra, giám sát đột xuất các cơ sở làm nghề ở đây.
“Sản phẩm miến dong ngon phải được làm từ 100% tinh bột dong riềng tươi, mới, tinh khiết và không sử dụng hoá chất trong chế biến. Nếu có tạo màu cho phù hợp thị hiếu người tiêu dùng cũng chỉ được sử dụng nước kẹo đắng hoặc các chế phẩm có nguồn gốc hữu cơ tự nhiên. Đồng thời sợi miến nấu vừa chín tới, ăn phải giòn, dai, không chua, vữa và không sạn”, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc HTX Chế biến Miến dong Lại Trạch cho biết.