Baoquocte.vn. Điện Biên là tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với 19 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa… Nơi đây, có một kho di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể, vô cùng đặc sắc. Do vậy, Điện Biên được coi là miền đất của những di sản văn hóa, điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, tiền đề cho phát triển du lịch.
Du khách tham quan di tích chiến trường Đồi A1. (Ảnh: Xuân Tiến) |
Miền đất của những di sản
Tính đến hết năm 2023, Điện Biên có 33 di tích được công nhận xếp hạng, trong đó có 1 di tích Quốc gia đặc biệt là di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, 14 di tích quốc gia, 18 di tích cấp tỉnh). Ngoài ra, Điện Biên có 18 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 2 di sản được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại là Di sản Nghệ thuật xòe Thái và Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam.
Các di sản được công nhận di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là niềm vinh dự, tự hào của đồng bào dân tộc tỉnh Điện Biên. Do đó, chính quyền các cấp, cán bộ chuyên môn và người dân Điện Biên luôn nâng cao trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ và phát triển các di sản.
Các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, đánh giá, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa, xếp hạng di tích, danh lam thắng cảnh, khoanh vùng, cắm mốc, trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích, phục dựng lễ hội, điều tra khảo cổ, tuyên truyền, phố biến, quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa… được thực hiện theo kế hoạch. Trong đó nhiều lễ hội truyền thống được bảo tồn, các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc được quan tâm.
Tạo sự khác biệt cho sản phẩm du lịch
Sức hấp dẫn của di sản đã tạo động lực cho phát triển du lịch mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Du lịch tạo ra nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp cho lao động tại địa phương. Nhiều sản phẩm du lịch di sản đã trở thành thương hiệu đặc trưng cho du lịch tỉnh Điện Biên, là yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt cho hệ thống điểm đến và sản phẩm du lịch của Điện Biên, kết nối và đa dạng hoá các tuyến du lịch liên vùng.
Nhờ đó, lượng du khách đến với Điện Biên ngày càng nhiều. Năm 2023, lần đầu tiên, Điện Biên cán mốc đón 1 triệu lượt khách, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 1.750 tỷ đồng. Đây là tín hiệu đáng mừng, là tiền đề để tỉnh tạo đột phá trong năm tới, phấn đấu xây dựng Điện Biên thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: Tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó một số dân tộc chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu dân cư như Thái, Mông, Kinh… Các dân tộc tỉnh Điện Biên cơ bản giữ được nét văn hóa truyền thống, những tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian… là những tiềm năng để phát triển du lịch.
Hàng năm Sở tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thành công Lễ hội Hoa Ban, cùng với đó còn phối hợp, hướng dẫn huyện Điện Biên tổ chức thành công Lễ hội Đền Hoàng Công Chất. Mường Lay tổ chức Lễ hội Đua thuyền đuôi én.
Nghệ thuật Xòe Thái được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: Xuân Tiến) |
Sở còn tập trung phục dựng, bảo tồn Tết Té nước (Bun Huột Nặm) dân tộc Lào; Lễ Cúng bản (Tê hrôi cung) của dân tộc Khơ Mú; Lễ Cầu mùa của dân tộc Si La; Lễ Nhảy lửa của dân tộc Dao; Lễ Cầu mùa của người Khơ Mú; Lễ Cúng bản (Gạ ma thú) của người Hà Nhì…
Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh mở lớp truyền dạy nghệ thuật Xòe Thái; huyện Điện Biên mở lớp truyền dạy nghệ thuật Xòe Thái và múa Lăm Vông của dân tộc Lào; các huyện tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng, ngày hội văn hóa các dân tộc, ngày hội đoàn kết các dân tộc….
Xác định di sản văn hóa là tài nguyên vô giá, nên công tác bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời kỳ văn hóa hội nhập giao thoa nhiều nền văn hóa như hiện nay. Trên cơ sở kế thừa những tinh hoa văn hóa của các thế hệ trước, việc bảo tồn và phát huy đang được cụ thể hóa bằng những hoạt động cụ thể góp phần làm cho giá trị di sản văn các dân tộc thấm sâu lan tỏa trong đời sống xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đây là năm Điện Biên đăng cai Năm Du lịch Quốc gia, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Việc đăng cai Năm Du lịch Quốc gia – Điện Biên 2024 có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh.
Đây là tiền đề, động lực để ngành du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những trung tâm du lịch của vùng Trung du miền núi phía Bắc. Mục tiêu năm 2024, tỉnh đón 1,3 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ hoạt động này đạt khoảng 2.200 tỷ đồng; năm 2025, đạt hơn 1,45 triệu lượt khách, tổng doanh thu hơn 2.380 tỷ đồng; đến năm 2030, đạt tương ứng hơn 2,65 triệu lượt và hơn 5.000 tỷ đồng.
“Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các di sản, tỉnh Điện Biên chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông đặc biệt tại các địa phương có tồn tại các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc, sao cho gắn kết phát triển du lịch với bảo vệ môi trường. Cùng với đó, duy trì và nâng cao hiệu quả của các di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia để tạo thêm nhiều điểm đến cho phát triển du lịch tỉnh Điện Biên”, ông Lê Thành Đô nhấn mạnh.