(HNMO) – Theo số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), phụ tải toàn hệ thống điện ngày 10-6 đạt 788,3 triệu kWh. Trong đó, miền Bắc ước khoảng 384,6 triệu kWh, miền Trung khoảng 73,2 triệu kWh, miền Nam khoảng 330,1 triệu kWh.
Công suất đỉnh hệ thống điện (Pmax) vào lúc 15h đạt 36.823,6 MW. Tuy nhiên, công suất đỉnh của miền Bắc – Trung – Nam xảy ra ở các thời điểm khác nhau. Cụ thể, công suất đỉnh ở miền Nam đạt 16.048,5 MW vào lúc 15h. Trong khi đó, công suất đỉnh ở miền Bắc đạt 18.223,4 MW vào lúc 23h, ở miền Trung đạt 3.613,3 MW vào lúc 16h30.
Về cơ cấu huy động nguồn điện trong ngày 10-6, tổng sản lượng huy động từ thủy điện khoảng 149 triệu kWh (miền Bắc là 59 triệu kWh); Nhiệt điện than huy động 439 triệu kWh (miền Bắc 262,9 triệu kWh); Tuabin khí huy động 85,9 triệu kWh; điện năng lượng tái tạo trên 79 triệu kWh, trong đó điện gió là 37,3 triệu kWh, công suất cao nhất lúc 12h30 đạt 2.339,7 MW, điện mặt trời trang trại nối lưới huy động 42,1 triệu kWh, công suất cao nhất lúc 10h30 đạt 5.875 MW. Nguồn điện dầu không phải huy động.
Về các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, tính đến hết ngày 10-6, đã có 51 dự án với tổng công suất 2.852 MW đã trình Bộ Công Thương phê duyệt giá điện tạm; 40 dự án với tổng công suất 2.367 MW đã ký hợp đồng sửa đổi bổ sung; 8 nhà máy đang thí nghiệm; 14 nhà máy đã thí nghiệm xong; 9 nhà máy đã vận hành thương mại (COD).
Cũng theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, nguồn nhiên liệu than cho sản xuất đủ. Tuy nhiên, do phải huy động công suất lớn, liên tục nên một số tổ máy vẫn gặp sự cố. Trong đó, sự cố dài ngày không huy động vào khoảng 2.100 MW; sự cố ngắn ngày khoảng 410 MW.
Dự kiến đến ngày mai (12-6), tổ máy 1 Nhiệt điện Nghi Sơn 1 sẽ xử lý xong sự cố. Riêng tổ máy 2 nhiệt điện Thái Bình đã khởi động thành công và hòa lưới vào 23h15 ngày 10-6.
Về tình hình nguồn thuỷ điện ở miền Bắc ngày 10-6 đã khả quan hơn. Lưu lượng nước về hồ có tăng song các hồ lớn vẫn xấp xỉ mực nước chết. Cụ thể, nước về (m3/s): Lai Châu đạt 276, Sơn La đạt 405, Hòa Bình đạt 94, Bản Chát đạt 59.3, Tuyên Quang đạt 88.7.
Tổng công suất không huy động được từ các hồ Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng, Tuyên Quang, Thác Bà, Hủa Na, Bản Vẽ… chỉ đạt khoảng 5.000MW.
“Mặc dù đã thực hiện các giải pháp quản lý vận hành, song do khó khăn về nguồn điện, nên công suất tiết giảm tối đa ở miền Bắc vào khoảng 1.300 MW”, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thông tin.
Hiện, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn liên tục chỉ đạo, đôn đốc, tìm mọi giải pháp để tăng cường vận hành các nguồn điện, vận hành linh hoạt hồ chứa trong bối các hồ thủy điện lớn thiếu hụt nước; đôn đốc các nhà máy nhiệt điện tập trung ưu tiên xử lý sự cố các tổ máy; đảm bảo cung ứng than, khí cho phát điện; tích cực bổ sung các nguồn điện năng lượng tái tạo cho hệ thống; tăng cường vận hành an toàn hệ thống truyền tải Trung – Bắc; tiếp tục triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện.