Vì Sa Huỳnh là vùng biển, nên món ăn cũng mang trong mình hương vị của biển khơi. Tôi nhớ như in, mỗi lần đến Tết Đoan Ngọ, ngoại tôi lại nấu mì quảng – món mì đặc biệt với thịt nướng, chả, trứng cút, tôm và mực.
Tôi nhớ hương thơm sực nức và mùi khói bốc lên nghi ngút, bám chặt lấy từng hơi thở của tôi khi ngoại đặt những miếng thịt lên vỉ, để màu than đỏ ngấm vào từng thớ thịt. Trứng cút được luộc sẵn, bóc vỏ, để lộ làn da trắng mịn màng. Những con tôm mây mẩy, vừa được sóng biển mang vào cảng còn tươi roi rói, ngoại mang rửa sạch. Rồi cùng với những khoanh mực đã được cắt sẵn, ngoại nấu một nồi nước dùng.
Để hương vị tròn đầy, ngoại chuẩn bị thêm đậu phụng rang, rau húng, bắp chuối và bánh phồng tôm. Nói là phụ, nhưng nếu không có nó thì quả thực là khiếm khuyết cho mì quảng. Giống như húng Láng chỉ là “phụ thêm vào phở”, nhưng đó lại là linh hồn của phở Hà Nội vậy.
Mì quảng là món “truyền thống” của ngoại tôi mỗi lần đến Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch). Mì Quảng của bà có sức quyến rũ đến lạ. Ai cũng ăn tô thứ hai, thứ ba. Tô mì ngập những miếng thịt mềm và thơm, vị tươi nguyên của tôm và mực, vị ngòn ngọt của bắp chuối, vị bùi của đậu phụng… hòa quyện với nhau làm tôi ngất ngây.
Khi ngoại mất, tôi không còn được ăn tô mì quảng đầy ắp tình thương của bà. Nhớ về mì quảng, tôi lại thổn thức nhớ về nụ cười hiền hòa, ánh mắt đầy ắp tình thương và những lời ngọt ngào của ngoại. Khói bếp từ đâu cay xè đôi mắt…