Năm 2024 là năm thứ 5 trong thập kỷ thứ ba của thế kỷ thứ 21, thế giới đã thay đổi quá nhiều so với thời điểm mới bước sang thiên niên kỷ mới. Hơn 20 năm trước, điện thoại thông minh hay mạng xã hội vẫn là những khái niệm còn rất đỗi xa lạ.
Trong địa hạt bóng đá, tốc độ thay đổi càng nhanh chóng. Bởi lẽ đơn giản, tuổi thọ nghề nghiệp cầu thủ rất ngắn. Nếu cuộc đời được mấy lần 10 năm thì giai đoạn đỉnh cao của các cầu thủ chỉ chừng 5 năm, hiếm hoi lắm mới chứng kiến những trường hợp duy trì phong độ được 10 năm.
Năm 2004, cầu thủ đoạt Quả bóng vàng là Andriy Shevchenko. Chỉ 2 năm sau, ở tuổi 30, sự nghiệp của chân sút lẫy lừng người Ukraine bắt đầu đi xuống khi quyết định chuyển sang Chelsea. 30 tuổi cũng được xem là mốc bước qua bên kia sườn dốc sự nghiệp.
Bên cạnh Sheva, những năm đầu thập niên 2000 là giai đoạn nở rộ của những tiền đạo tài năng cùng sự thịnh hành của sơ đồ 4-4-2. Một trong những cặp tiền đạo tiêu biểu trong một đội bóng tiêu biểu sử dụng 4-4-2 là Thierry Henry và Dennis Bergkamp ở Arsenal.
Mùa giải 2003-04 đánh dấu mốc son chói lọi nhất trong lịch sử “Pháo thủ thành London”, khi thầy trò Arsene Wenger đăng quang Premier League với thành tích bất bại. Sau chức vô địch ấy, 20 năm nước chảy mây trôi, chứng kiến bao biến thiên của thời cuộc, Arsenal chưa thể vô địch Ngoại hạng Anh thêm lần nào nữa.
Lịch sử Arsenal có lẽ đã khác nếu như ngày ấy chiêu mộ thành công một trong hai tài năng trẻ Cristiano Ronaldo hoặc Lionel Messi. HLV Arsene Wenger từng bộc bạch rằng một trong những điều khiến ông hối tiếc suốt đời là không ký hợp đồng với C.Ronaldo.
“Tôi từng có thời điểm tiến rất gần đến việc chiêu mộ cậu ấy. Tôi tiếc không chỉ vì không chiêu mộ được C.Ronaldo, mà còn vì cậu ấy sau đó đầu quân cho Man Utd. Đến giờ tôi vẫn còn đau vì vụ này”, ông nói.
Về vụ vồ hụt Messi, Wenger từng tiết lộ: “Chúng tôi đã thảo luận với Lionel Messi khi chiêu mộ Fabregas, vì Messi là đồng đội cùng lứa với Fabregas”. Kế hoạch đổ bể do Messi không thể xin giấy phép lao động tại Anh.
Tất nhiên, như câu ngạn ngữ nổi tiếng xuất phát từ quê hương của Wenger: “Với một chữ nếu, người ta có thể nhét cả Paris vào một cái chai”. Có chăng chỉ một điều không đổi, đó là tài nghệ vượt không gian và thời gian của C.Ronaldo và Messi.
Những năm đầu thập niên 2000, thời điểm C.Ronaldo và Messi bắt đầu sự nghiệp, thật khó hình dung về sự phát triển và thành tựu hai siêu sao này đạt được sau này. Khi ra mắt Man Utd, tài năng trẻ người Bồ Đào Nha được biết đến như người thừa kế vị trí tiền vệ cánh phải của David Beckham trong sơ đồ phổ biến 4-4-2.
Trong khi đó, sao mai trưởng thành từ La Masia được đào tạo để trở thành tiền đạo biên trong sơ đồ 4-3-3 truyền thống ở Barcelona. Có chăng, vị trí quen thuộc của Messi ở các đội trẻ là tiền đạo biên trái, tuy nhiên khi bước lên đội một, La Pulga chuyển sang cánh phải để tránh đá trùng vị trí bất khả xâm phạm của siêu sao Ronaldinho.
Như vậy, vị trí khởi phát của Messi và C.Ronaldo đều là bám biên, với nhiệm vụ cầm bóng đột phá và kiến tạo cho các tiền đạo ghi bàn. Tuy nhiên, bởi tài năng vượt trội, Messi và C.Ronaldo nhanh chóng vượt ra khỏi không gian nhỏ hẹp của những cầu thủ bám biên và trình làng nhiều “phiên bản cập nhật” độc đáo trong cả sự nghiệp.
Đối với C.Ronaldo, cầu thủ người Bồ Đào Nha sớm thoát ra khỏi dáng vẻ gày còm và lối chơi vẽ vời của tiền vệ cánh để trở thành một tiền đạo biên sung mãn, tốc độ và hiệu quả. Khi đầu quân cho Real Madrid, CR7 càng mài dũa các kỹ năng săn bàn trở nên sắc bén hơn.
C.Ronaldo gần như là hình mẫu hoàn hảo về một tay săn bàn. Anh đạt hiệu suất ghi bàn khủng khiếp (438 bàn sau 450 trận cho Real Madrid) dựa trên nền tảng tốc độ kinh hoàng, kỹ thuật điêu luyện, sự nhạy bén trước khung gỗ và đặc biệt sở hữu tài nghệ dứt điểm phong phú.
CR7 không chỉ ghi bàn từ các tình huống dứt điểm cận thành, anh sút xa cực kỳ lợi hại, dứt điểm bằng chân trái (chân không thuận) rất xuất sắc, khả năng đánh đầu thuộc hàng xuất sắc nhất lịch sử, và đôi khi tạo nên những siêu phẩm móc bóng không tưởng.
Khi tuổi tác dần trở thành gánh nặng, ảnh hưởng đến tốc độ và sự dẻo dai, C.Ronaldo lại chuyển hóa trở thành trung phong lợi hại ở đội tuyển Bồ Đào Nha lẫn Juventus, Man Utd và hiện tại là Al Nassr. Tính từ thời điểm chia tay Real Madrid ở tuổi 33 đến nay, CR7 vẫn ghi được tới hơn 200 bàn thắng cho đội tuyển quốc gia (ĐTQG) và các CLB.
Đối với Messi, không gian hoạt động của siêu sao người Argentina không thể phác họa theo vị trí, cho dù anh là nhân vật chính của cuộc điều chỉnh vị trí chiến thuật có lẽ đặc sắc nhất trong hai mươi năm qua, khi trở thành “số 9 ảo” trong sơ đồ 4-3-3 của HLV Pep Guardiola tại Barcelona.
Trái ngược nếp nghĩ tiền đạo trung tâm phải cao lớn để nhồi bóng, tài nghệ siêu quần của La Pulga giúp cho ông thầy người Tây Ban Nha mạnh dạn đưa anh vào trung lộ, nơi tạo ra tầm ảnh hưởng lớn hơn.
Kết quả là trong ba mùa giải 2010-11, 2011-12 và 2012-13, quãng thời gian chủ yếu thi đấu ở vị trí “số 9 ảo”, Messi đạt được hiệu suất ghi bàn cao nhất sự nghiệp, với 186 bàn thắng trong 165 lần ra sân cho Barcelona.
Tuy vậy, như đã đề cập, nhắc đến Messi không thể chỉ nhắc đến hiệu suất ghi bàn khủng khiếp của một siêu tiền đạo. Ngoài ra, La Pulga còn là nhà kiến thiết đại tài cũng như bậc thầy rê bóng số một hành tinh.
Khi đã luống tuổi, Messi có xu hướng lùi sâu hơn để tham gia vào khâu tổ chức trận đấu cũng như phát động tấn công. Tất nhiên, ở vị trí hay vai trò nào, siêu sao người Argentina đều xuất sắc nhất.
Hình dung một cách khái quát, nếu C.Ronaldo toàn diện về kỹ năng tấn công thì Messi toàn năng trên mọi vị trí tham gia khâu tấn công. Bên cạnh sự xuất chúng vượt không gian ấy, cả hai siêu sao này đã thống trị bóng đá thế giới bằng sự bền bỉ đến không ngờ.
Tính một cách đơn giản, từ thời điểm C.Ronaldo đoạt Quả bóng vàng đầu tiên (2008) đến khi Messi giành danh hiệu cao quý này gần nhất (2023), kỷ nguyên của bộ đôi này đã kéo dài 15 năm.
Rất nhiều lần Messi hay C.Ronaldo khiến những anti-fan phải tẽn tò bởi những luận điệu chỉ trích đầy sự định kiến.
C.Ronaldo là biểu tượng của ý chí vượt lên nghịch cảnh. Sự nghiệp CR7 luôn gắn với bị đem ra so sánh, tức luôn là phiên bản kém hơn một mẫu so sánh nào đó được những kẻ không ưa anh đưa ra.
Những ngày đầu xuất hiện trong màu áo Man Utd, ấn tượng đầu tiên về tài năng trẻ đến từ Bồ Đào Nha đến từ phía sau lưng. Trên áo anh in tên và số áo thuộc bản quyền của ngôi sao bóng đá nổi tiếng bậc nhất thời bấy giờ.
Sự so sánh là không thể tránh khỏi. Rất nhanh chóng, C.Ronaldo bị chê không kỹ thuật và rê bóng tuyệt luân như Ronaldo (Brazil), cũng như chẳng thể tạt bóng hay đá phạt hay như Beckham.
CR7 cũng bị chỉ trích vì lối chơi quá rườm rà và thiếu hiệu quả. Áp lực ấy khiến tài năng trẻ người Bồ Đào Nha trải qua một thời gian bị “chột” ở Old Trafford.
Tuy nhiên, bằng ý chí và nỗ lực, C.Ronaldo sớm trình làng phiên bản khác, không giống Ronaldo và cũng chẳng học theo Beckham. Như đã đề cập, đó là mẫu tiền đạo biên toàn diện, vừa sung mãn, vừa tốc độ, lại dứt điểm hai chân như một và đánh đầu tuyệt hay.
Trong suốt quãng thời gian khoác áo Real Madrid, C.Ronaldo lại bị so sánh với chính Messi. Lập luận được đưa ra là Messi tài năng hơn, thân thiện hơn, và đương nhiên là thành công hơn C.Ronaldo. Đã có thời điểm, “tỷ số” Quả bóng vàng lẫn chức vô địch Champions League giữa La Pulga và CR7 được nới rộng lên tới 4-1.
Và một lần nữa, bằng ý chí và nỗ lực phi phàm, C.Ronaldo san bằng khoảng cách và khiến cho cuộc ganh đua kỳ vĩ với Messi trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Một dẫn chứng khác, suốt thời gian dài C.Ronaldo luôn bị dè bỉu là “cầu thủ nhỏ của trận đấu lớn” hay chỉ biết ghi những bàn thắng dễ dàng. Cuối cùng CR7 khiến tất cả phải im bặt khi trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử Champions League, giải đấu danh giá nhất châu Âu.
Nghịch cảnh Messi đã vượt qua lại theo kịch bản khác. La Pulga thành công quá đỗi ở cấp CLB, nhưng phải trải qua những năm tháng dài đau thương ở cấp ĐTQG và chịu vô vàn chỉ trích bất công từ quê hương.
Tuy là cầu thủ tính cách nhu mì nhưng Messi ra mắt đội tuyển Argentina bằng chiếc thẻ đỏ như một định mệnh nghiệt ngã. Những năm tháng La Pulga sắm vai thủ lĩnh, Albiceleste liên tiếp nhận những thất bại cay đắng ở các trận chung kết Copa America 2015, 2016 và World Cup 2014.
Messi tuyệt vọng đến nỗi từng tuyên bố từ giã ĐTQG sau chung kết Copa America 2016. “Tôi đã nỗ lực hết sức mình. Đối với tôi, hành trình tại đội tuyển đã kết thúc. Quyết định đã được đưa ra”, La Pulga nói trong cay đắng tột bậc.
Bất chấp sự “nỗ lực hết sức” ấy của Messi, từ quê nhà Argentina, không ít kẻ vẫn xem anh như sản phẩm “ngoại lai” vì rời xa quê nhà từ nhỏ. “Người Catalonia tại Argentina” là cái cách người ta vẫn châm biếm về Messi tại Albiceleste.
Họ quên mất tình yêu cháy bỏng La Pulga luôn dành cho quê hương. Thật may cho Albiceleste, cho bóng đá Argentina và có lẽ là người hâm mộ trên toàn thế giới, Messi đã đứng dậy để vượt lên.
Thành quả anh đạt được thật không thể ngọt ngào hơn. Sau chức vô địch Copa America 2021 để chấm dứt cơn khát danh hiệu kéo dài gần 20 năm, Messi đưa Argentina bước lên đỉnh cao nhất tại World Cup 2022. Messi trở thành người hùng dân tộc, biểu tượng của đất nước. Một sự khép lại viên mãn và giàu xúc cảm.
Messi lẫn C.Ronaldo đều đã chia tay bóng đá đỉnh cao tại châu Âu. Messi sang Mỹ khoác áo Inter Miami. C.Ronaldo đến Saudi Arabia chơi bóng cho Al-Nassr. Như thường lệ, cả hai vẫn vượt qua những định kiến và tạo nên hiệu ứng khó tin.
Siêu sao người Bồ Đào Nha khép lại năm 2023 với 54 bàn thắng, nhiều hơn Kylian Mbappe và Harry Kane 2 bàn, để trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất năm.
Tính riêng mùa giải 2023-24 này, CR7 đang dẫn đầu danh sách ghi bàn tại giải VĐQG Saudi Arabia, với 20 lần làm tung lưới đối phương. Ngoài ra, C.Ronaldo cũng là chân chuyền số một tại giải, với 9 pha kiến tạo cho đồng đội ghi bàn.
Như vậy, trung bình mỗi 90 phút, C.Ronaldo đóng góp 1,65 bàn thắng hay cứ mỗi 54 phút thi đấu, anh lại góp dấu giày trực tiếp vào một bàn thắng. Nhờ nguồn cảm hứng CR7, Al Nassr đang ganh đua quyết liệt với Al Hilal cho ngôi đầu bảng, nhưng Al Hilal mới là đội đang chiếm thế thượng phong với 2 điểm nhiều hơn.
Mùa trước, C.Ronaldo và các đồng đội cũng chỉ có thể về nhì, sau Al Ittihad. Điều đó cho thấy sự khốc liệt của giải VĐQG Saudi Arabia và càng khẳng định, dù đã 38 tuổi, CR7 vẫn chưa chịu già hay sang Trung Đông để dưỡng già.
Về mặt hiệu ứng, thời điểm Al Nassr công bố chiêu mộ thành công C.Ronaldo cách đây tròn một năm, đội bóng này có tài khoản Instagram với 823.000 tài khoản theo dõi (followers).
Lượng theo dõi này tăng lên 7,8 triệu trong 4 ngày và một năm sau lên tới 22,4 triệu, gần bằng Tottenham Hotspur (16,5 triệu), Aston Villa (3,7 triệu) và Newcastle United (2,6 triệu) cộng lại.
Tại Mỹ, Messi cũng chẳng chịu già khi vừa đến đã dẫn dắt Inter Miami đến chức vô địch Leagues Cup, danh hiệu đầu tiên trong lịch sử đội bóng này. Với 10 bàn thắng chỉ sau 7 trận cùng những kịch bản thi đấu nghẹt thở, La Pulga đã tạo nên cơn sốt thật sự.
Thống kê chỉ ra lượng khán giả đến sân của Inter Miami đã tăng tới 40% kể từ khi có Messi. Trong những trận đấu các đội “được” tiếp đón La Pulga và đồng đội, lượng khán giả đến sân cũng tăng vọt. Điển hình là trận đấu trên sân Soldier Field của Chicago Fire, với con số kỷ lục 62.124.
Khi Messi và C.Ronaldo vẫn bùng nổ mỗi khi ra sân và tạo ra những hiệu ứng khủng khiếp như thế, chẳng có lý gì không trông đợi bộ đôi này tỏa sáng lần cuối ở những sân chơi lớn. Trong năm nay, C.Ronaldo sẽ cùng tuyển Bồ Đào Nha tham dự Euro 2024, trong khi Messi và các đồng đội sẽ bảo vệ ngôi vương tại Copa America 2024.
Sau bao nhiêu lần Messi và C.Ronaldo kiêu hãnh vượt qua mọi giới hạn và dập tắt những định kiến, có lẽ bất cứ ai cũng phải e dè khi định buông lời phán xét về bộ đôi này. Bóng đá chưa từng chứng kiến hiện tượng nào kỳ vĩ như thế!