Cách phân biệt vàng
– Nhận biết bằng cách quan sát dưới ánh sáng
Cách nhanh chóng và đơn giản nhất để phân biệt vàng thật, vàng giả chính là quan sát chúng dưới ánh sáng.
Nếu là vàng thật, bạn sẽ thấy bề mặt láng mịn, không có chấm nhỏ li ti, không có vết lồi lõm. Ngược lại nếu là vàng giả, bề mặt sẽ xuất hiện các đốm nhỏ màu trắng hoặc đỏ.
Vàng thật sẽ có bề mặt láng mịn khi quan sát dưới ánh sáng
– Nhận biết bằng ký hiệu trên món trang sức vàng
Đối với trang sức vàng thật, trên bề mặt của sản phẩm luôn được khắc các ký hiệu chỉ độ tuổi, thương hiệu của vàng như 10K, 24K, 18K, PNJ, SCJ, 9999,… Trong khi đó nếu là vàng giả, bạn sẽ không tìm thấy các ký hiệu này.
– Nhận biết bằng cách cắn mạnh
Vàng thật sẽ có độ mềm và dễ hằn dấu răng khi bị cắn mạnh. Còn vàng giả sẽ cứng, không bị trầy hay móp méo gì.
– Nhận biết bằng cách quan sát độ xỉn màu của vàng
Nếu là vàng giả, sau một thời gian sử dụng thì lớp mạ ở trên sẽ trôi đi mất, làm lộ rõ chất liệu kim loại màu khác dưới lớp vàng. Vàng thật 100% sẽ không xảy ra hiện tượng này.
Vàng giả sẽ xỉn màu sau một thời gian sử dụng
– Nhận biết bằng kem nền trang điểm
Thoa một lớp kem nền dạng lỏng lên mu bàn tay và chờ kem khô lại, sau đó chà tay lên bề mặt vàng. Nếu thấy để lại một vệt trên chỗ kem vừa thoa thì đó là vàng thật, nếu không thấy gì thì là vàng giả.
– Nhận biết bằng giấm
Cách này chỉ có thể áp dụng với các loại trang sức bằng vàng 99.99%. Các thiết kế đính đá, vàng tây hoặc ngọc trai sẽ không nhận biết được. Hãy chuẩn bị một cốc giấm, sau đó cho trang sức vào ngâm khoảng 15 – 30 phút và quan sát màu nước trong cốc.
Nếu giấm chuyển sang màu đen, xanh lục hoặc nâu khói thì là vàng giả, còn không thấy có hiện tượng đổi màu thì là vàng thật.
– Nhận biết bằng nam châm
Sử dụng một thỏi nam châm đưa đến gần vàng để kiểm tra. Nếu xảy ra lực hút thì đó là vàng giả, còn vàng thật sẽ không phản ứng gì với nam châm.
Cách phân biệt bạc
– Nhận biết bằng nam châm
Đặt thỏi nam châm cạnh trang sức bằng bạc. Nếu chúng không hút nhau thì chứng tỏ đó là bạc thật, nguyên chất đến 95%. Nếu chúng hút nhau với một lực mạnh thì bạc đó đã bị pha tạp nhiều và đã biến thành bạc giả. Bạc cũng giống như vàng, không mang từ tính nên chúng vốn dĩ không thể bị nam châm hút, chỉ có bạc bị pha tạp mới bị nam châm hút.
– Nhận biết bằng oxy già
Đặt đồ trang sức bằng bạc đó lên một mảnh vải trắng rồi nhỏ giọt oxy già lên đó. Sau một vài phút, nếu oxy già chuyển qua màu xanh hoặc màu đen thì đó là bạc giả. Nếu oxy già chuyển sang màu kem hoặc không màu thì đó là bạc thật. Cách này khá đơn giản và cho kết quả rất nhanh. Oxy già bạn có thể dễ dàng mua được ở các hiệu thuốc.
– Nhận biết bằng âm thanh
Bạn có thể lấy một chiếc nhẫn và để nó rơi trên nền gạch hoặc kim loại sẽ thấy tiếng phát ra chỉ là “cạch” một cái , không vang. Còn nếu là bạc bị pha quá nhiều, innox, sắt, thép thì tiếng sẽ vang rất xa. Bạn có thể lần lượt làm rơi bạc thật và mang sẵn bạc pha đi để so sánh.
– Nhận biết bằng cách cắn mạnh
Cũng như vàng, nếu trên đồ trang sức bằng bạc có để lại vết răng và dễ dàng bị bóp méo thì khẳng định đó là bạc nguyên chất. Ngược lại, nếu là bạc giả, bạc pha thì chúng sẽ không bao giờ in hằn được vết răng và rất khó làm biến dạng.
Thanh Ngọc