Nhắc đến các mối quan hệ trong gia đình, tình cảm giữa cha và con gái luôn được nói đến như một điều đặc biệt, thiêng liêng và cao quý. Cũng vì lẽ đó, mà thời gian qua, cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2 năm 2024 do Tạp chí Gia đình Việt Nam tổ chức đã nhận được sự quan tâm của độc giả trong và ngoài nước.
Mỗi bài dự thi mang đến cho cuộc thi những gam màu cảm xúc riêng biệt, đó có thể là kỷ niệm vui buồn giữa cha và con, cũng có khi là những bâng khuâng, nuối tiếc. Tất cả đã tạo nên bức tranh đa sắc màu về tình cảm yêu thương gia đình.
Khác với đa phần bài dự thi là lời tâm sự của cha dành cho con gái hoặc con gái gửi tới người cha của mình, bài dự thi “Mẹ tìm ba về cho con nắm lấy tay” của tác giả Lê Hồng Mận (Đà Nẵng) lại là những dòng cảm xúc thật đẹp của một người vợ, người mẹ khi chứng kiến tình cảm của người chồng thứ hai dành cho cô con gái riêng của mình.
Người chồng thứ hai và cô con gái riêng của tác giả Lê Hồng Mận
Tác giả Hồng Mận chia sẻ, chị trở thành mẹ đơn thân khi con gái vừa tròn 6 tháng tuổi. Với bất kỳ người phụ nữ nào, dù mạnh mẽ hay yếu đuối, đó chắc hẳn đều là một quyết định khó khăn và đau đớn.
Nuôi con, dạy con là cả quá trình vất vả, cần sự hỗ trợ của người chồng. Thế nhưng, với một bà mẹ đơn thân, đó là việc họ phải làm một mình, bất chấp những thách thức bủa vây, nhất là khi con còn quá nhỏ.
Kể về giai đoạn chênh vênh ấy, chị chẳng thể nào quên những ngày tháng vùi mình vào công việc, nỗ lực kiếm sống. Người mẹ đơn thân chỉ biết lấy con gái làm chút động lực cuối cùng để bám víu, để bỏ ngoài tai những lời dị nghị của xã hội mà vươn lên trong cuộc sống.
Quá khứ ấy khiến tác giả nhiều lần do dự khi được hỏi về việc “bước thêm bước nữa” bởi vì lo sợ con gái sẽ cô đơn khi mẹ tìm được hạnh phúc của riêng mình.
Cho đến khi gặp được người chồng hiện tại, chị mới nhận ra vẫn luôn có người đàn ông yêu thương mình và cả cô con gái bé nhỏ của mình: “Và anh đã đến. Không ồn ào như tình yêu tuổi trẻ. Không hoa quà hay những lời có cánh. Có hôm, anh mang đến một ít rau dớn rừng để xào cho hai mẹ con. Có hôm, anh mua sang một hộp lắp ghép rồi cùng con gái tỉ mẩn xếp thành xe, thành voi, thành ếch…”. Đó cũng chính là lúc chị quyết định tiến đến một mối quan hệ nghiêm túc.
Sự gắn bó của cha con cứ thế nảy mầm và ngày một khăng khít, dù chẳng xuất phát từ huyết thống nhưng lại được tưới tắm mỗi ngày bằng tình cảm thiêng liêng giữa cha và con.
Đã 5 năm trôi qua, con gái vẫn trân trọng món quà cha dượng mua cho
Chia sẻ về cuộc sống sau hôn nhân của mình, tác giả Hồng Mận cho biết, thời điểm mới kết hôn rơi đúng vào giai đoạn dịch Covid-19 lan rộng, chồng chị lại là chiến sĩ tuyến đầu chống dịch nên thường xuyên phải công tác xa nhà.
Thế nhưng, chỉ cần có thời gian rảnh, chồng chị lại gọi điện về để tâm sự, dỗ dành cô con gái nhỏ. Mỗi khi ngưng lệnh giãn cách, chồng chị lại xin phép thủ trưởng để chạy về quê, mang theo rất nhiều sticker, truyện tranh, bút màu… cho con gái.
Dù hai vợ chồng cưới nhau đã lâu nhưng cả hai không hề bắt ép con gọi “ba” mà chỉ gọi là “chú”. Bởi hai vợ chồng muốn tiếng “ba” cất lên khi con sẵn sàng và thực sự cảm thấy thoải mái.
Chính vì vậy, khi lần đầu nghe con gái cất tiếng gọi “ba” với người đàn ông chẳng hề có “máu mủ ruột già”, hai vợ chồng đều vỡ òa xúc động.
“Một trong những lần về thăm con gái như thế, con bé bất chợt reo lên “Ba T.” khiến anh khựng lại, niềm vui ánh ngời lên trong mắt. Đó là lần đầu tiên con gái gọi anh là BA”, tác giả viết.
Chỉ một tiếng “ba” nhưng lại mang đến niềm hạnh phúc cho người mẹ khi con riêng của mình đón nhận người bạn đời mới của mình. Không chỉ vậy, tiếng “ba” cũng khiến người đàn ông, người lính ấy dù mạnh mẽ đến mấy, dù gan dạ thế nào nơi chiến tuyến cũng không kìm được nước mắt: “Con đã mở miệng gọi anh một tiếng ba. Tiếng ba thiêng liêng lắm chứ. Mà anh chưa lo được gì nhiều cho con cả, lòng anh thực sự rất buồn”.
Gia đình hạnh phúc của tác giả Lê Hồng Mận
Kể cả khi tác giả Hồng Mận sinh con chung của hai vợ chồng, tình cảm của người cha dượng dành cho con gái riêng của vợ cũng chẳng hề thay đổi. Anh luôn đùa với vợ “từ nay mẹ lo cho con trai, còn ba lo cho con gái của ba nhé”. Câu nói đùa vui nhưng lại thể hiện tấm lòng, tình cảm của người cha dành cho cô con gái bé nhỏ, đủ để lấp đầy những thiếu hụt mà con bé phải trải qua suốt quãng thời thơ ấu.
Lâu nay, mối quan hệ “mẹ kế – con chồng” hay “cha dượng – con vợ” khiến cho nhiều người không khỏi ái ngại khi có kế hoạch đi bước nữa. Thế nhưng, dường như trong xã hội hiện đại, khi tình yêu thương bao trùm lên tất cả thì ngay cả bản thân những đứa trẻ, chúng cũng có đủ tầm hiểu biết và thấu hiểu được mọi chuyện.
Để rồi, chúng biết yêu thương mẹ kế, cha dượng như chính người thân ruột thịt của mình, để cùng mẹ cùng cha vun đắp một cuộc sống hạnh phúc, sum vầy: “Tôi thương anh, anh thương con gái, chúng tôi thương nhau và thương cả những nỗi đau ẩn sâu trong lòng, để động viên nhau, cùng nhau cố gắng”.
Thể lệ cuộc thi viết chủ đề “Cha và con gái” lần thứ 2 năm 2024
Yêu cầu đối với bài dự thi
– Bài dự thi phải là những bài viết chưa đăng phát trên bất kỳ phương tiện truyền thông báo, đài hay mạng xã hội và chưa tham gia dự thi ở các cuộc thi khác. Viết về những câu chuyện có thật do tác giả là nhân vật hoặc người chứng kiến, những kỷ niệm, lời tâm tình, tự sự của cha dành cho con gái và ngược lại được thể hiện dưới dạng bài ghi chép, phóng sự, phỏng vấn, tản văn, nhật ký… Ban tổ chức khuyến khích các tác giả sử dụng hình ảnh thật của các nhân vật trong bài dự thi.
– Bài viết thể hiện bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 – 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.
– Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi và phải chịu trách nhiệm về độ chân thực, tính chính xác về nội dung. Cấm sao chép, đạo văn của người khác dưới mọi hình thức.
– Bài dự thi được chọn đăng trên Tạp chí Gia đình Việt Nam sẽ được trả nhuận bút theo quy định và thuộc sở hữu của tòa soạn; tác giả không có quyền khiếu nại về bản quyền.
Đối tượng dự thi: Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước trừ những người là nhân sự của Ban Tổ chức, Ban giám khảo, các đơn vị tài trợ, đồng hành cùng cuộc thi.
Thời gian và địa chỉ nhận bài dự thi
– Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 27/03/2024 đến ngày 10/06/2024 tính theo dấu bưu điện và thời gian nhận mail. Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2024.
– Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam. Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi “Cha và con gái” kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
– Bài dự thi online gửi qua email: [email protected]
Giải thưởng
Cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2 năm 2024 có cơ cấu giải thưởng gồm: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba, 05 giải khuyến khích và 05 giải phụ.
Ngoài giải thưởng tiền mặt, các tác giả đạt giải còn được nhận giấy chứng nhận của Ban Tổ chức, được tặng 01 quyển sách có đăng các bài dự thi cùng quà (nếu có) của nhà tài trợ.
Ban Giám khảo cuộc thi
– Nhà thơ Hồng Thanh Quang – Trưởng ban giám khảo
– Nhà thơ Trần Hữu Việt – Vụ trưởng, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Báo Nhân Dân
– Nhà văn Nguyễn Một
– Nhà văn, nhà báo Võ Hồng Thu – Báo Tiền phong
Thông tin chi tiết về cuộc thi xin liên hệ
– Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
+ Nhà báo Phan Khánh An – Tổng TKTS, Thành viên Ban tổ chức. Số điện thoại: 0975.470.476
+ Ms Bùi Thị Hải Én – Cán bộ toà soạn. Số điện thoại: 0973.957.126
– Email: [email protected].
Nguồn: https://giadinhonline.vn/me-tim-ba-ve-cho-con-nam-tay-d198990.html