Những ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024, khi đến với danh thắng Bàn Than, xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam, nhiều du khách rất thích thú với khung cảnh những bãi rêu xanh rì bám trên các ghềnh đá đen, nhìn từ trên cao giống như những chiếc bàn rêu xanh.
Những chiếc bàn đá trải đầy thảm rêu xanh
Những tảng đá trầm tích xếp chồng lên nhau, rêu mọc xanh rì là nơi check-in lý tưởng. Nhìn từ trên cao, những tảng đá ở Bàn Than như những chiếc bàn được trải một lớp thảm của rêu xanh trông rất đẹp mắt.
Theo người dân, những bãi rêu xuất hiện từ dịp Tết Giáp Thìn. Mỗi ngày có hàng trăm lượt du khách đến danh thắng Bàn Than tham quan.
Danh lam thắng cảnh Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa là cụm danh thắng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia.
Bàn Than là một bãi đá nằm trên xã đảo Tam Hải, Hòn Mang và Hòn Dứa là 2 đảo nhỏ kế cận, ghềnh đá Bàn Than có chiều dài khoảng 2km.
Theo người dân địa phương, tên gọi Bàn Than là do nơi đây có ghềnh đá phẳng mịn ví như những chiếc bàn khổng lồ của tạo hóa, đen tuyền như than, tạo thành một phong cảnh tuyệt đẹp hài hòa giữa biển, bãi cát trắng, rừng dừa xanh và những bãi đá trầm tích.
Tại khu vực Bàn Than có một vách đá màu đen dài hơn 2km, cao khoảng 40m, được xếp chồng lên nhau. Những lớp đá này có nhiều tư thế khác nhau, bao gồm nghiêng, chờm hoặc đứt đoạn, và được xem là di sản địa chất độc đáo.
Các nhà địa chất cho rằng đây không phải là đá núi lửa mà là đá gốc, có tuổi đến 400 triệu năm, từng nhô lên khỏi mặt biển qua một đợt kiến tạo địa chất.
Khu vực này là một di sản địa chất quan trọng, bao gồm các thành phần như cổ sinh, địa tầng, địa mạo, cấu trúc – kiến tạo, karst, đá, và cổ môi trường phong phú.
Nhiều hoạt động chào mừng đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia
UBND huyện Núi Thành đang triển khai nhiều hoạt động chào mừng lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa, dự kiến tổ chức vào chiều ngày 28-2 tới.
Những hoạt động như trưng bày, triển lãm ảnh về vùng đất và con người Núi Thành, lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội, chú trọng tới các danh thắng, di tích lịch sử, lễ hội mang nét đặc trưng riêng của địa phương.
Ngoài ra, huyện Núi Thành cũng tổ chức các hoạt động thể thao dưới nước như lắc thúng nam, bơi thúng nam, nữ, chung kết bóng chuyền nam tại Bãi Nồm, làng Thuận An (xã Tam Hải) tổ chức lễ hội cầu ngư tại Bãi Bấc và nghĩa địa cá Ông.
Việc tổ chức các hoạt động và lễ hội nhằm tiếp tục nâng cao công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa, quảng bá điểm tham quan du lịch này.
Ảnh: LÊ TRUNG