Cà Mau với diện tích 64.000 ha rừng ngập mặn, trải dài từ Đông sang Tây của bán đảo Cà Mau nên sản lượng ba khía có thể nói là nhiều nhất Nam Bộ.
Ba khía thuộc họ nhà cua, nhưng sống chủ yếu ở hai bên bờ rạch hoặc trên những vạt rừng đước, mắm… Ba khía thường đào hang ở những vạt rừng khô, những bờ vuông của người dân.
Ba khía có nhiều tại những cánh rừng ngập mặn ở Cà Mau.
Để bắt được ba khía, người dân thường trang bị bao tay, thùng đựng và đèn, vì chủ yếu bắt ba khía là vào ban đêm. Mắm ba khía ở Cà Mau được nhiều người biết đến và đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân.
Tận dụng được lợi thế sẵn có, vợ chồng anh Nguyễn Văn Miên (ấp Cây Kè, xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) sáng tạo nên sản phẩm riêu ba khía.
Sản phẩm riêu ba Khía đang được HTX Ba Khía Đầm Dơi (ấp Cầu Kè, xã Quách Phẩm Bắc) sản xuất và tiêu thụ khoảng 2 tấn/tháng.
Sản phẩm riêu Ba Khía có mùi thơm, vị béo, không mùi tanh được du khách gần xa ưa thích.
Nguyên liệu sản phẩm riêu ba khía được chọn lọc từ những con ba khía chắc thịt, đặc biệt ba khía mới lột vỏ sẽ được ưu tiên chọn làm riêu.
Ba khía sau khi được chọn sẽ được tách mai và cắt các ngoe (càng) nhọn, xay nhuyễn và thực hiện đóng gói riêu ba khía.
Chị Trần Thị Xa (vợ anh Miên) chia sẻ, món riêu ba khía là sản phẩm mà vợ chồng chị rất tâm đắc, vì có thể cấp đông tiêu thụ nhiều nơi một cách dễ dàng.
Riêu ba khía được đóng gói đẹp mắt.
Theo chị Xa, sản phẩm riêu ba khía được đóng mỗi gói 0,5kg và có giá 100.000 đồng/kg. Riêu ba khía được trữ trong ngăn đá tủ lạnh và có hạn sử dụng lên đến vài tháng.
“Riêu ba khía có hàm lượng canxi rất cao, dễ chế biến. Bên cạnh đó, mùi thơm béo của gạch kết hợp với thịt ba khía khi chế biến làm nên một lớp riêu rất dày.
Riêu ba khía có thể chế biến thành nhiều món ngon như: bún riêu ba khía, súp, riêu hấp, hoặc nấu canh cùng các loại rau…”, chị Xa chia sẻ thêm.
Ba khía có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như: bún riêu ba khía, súp, ba khía hấp… với mùi vị thơm ngon đặc trưng.
Theo anh Châu Ngọc Sang (ngụ huyện Ngọc Hiển), trước đây con ba khía có tại Ngọc Hiển rất nhiều, nên bà con đi bắt về muối ăn trong gia đình.
Về sau, muối ba khía trở thành nghề truyền thống của địa phương và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Anh Sang cho biết, từ sáng sớm anh thu mua ba khía của bà con đi bắt vào ban đêm, với giá từ 50.000 – 70.000 đồng/kg. Vì thế, người lao động chăm chỉ có thu nhập khá ổn định nhờ nghề bắt ba khía.