Mới đây, UBND Hà Nội đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu của quy hoạch là xây dựng huyện Mê Linh thành một vùng đô thị công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp sinh thái kết hợp công nghệ cao. Đến năm 2030, Mê Linh trở thành vùng phát triển của thành phố, có hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản hoàn chỉnh, các vùng nông thôn được cải tạo và phát triển đảm bảo các tiêu chí theo mô hình nông thôn mới, xây dựng và phát triển một số khu đô thị xanh, đô thị sinh thái.
Hà Nội cũng đặt mục tiêu phát triển đồng bộ công nghiệp đi đôi với dịch vụ phân phối, chung chuyển hàng hóa và các trung tâm phân phối sản phẩm ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, hình thành vùng sản xuất hoa, phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông sản cao cấp.
Cùng thời điểm, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cũng đã trình bày nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050.
Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho rằng, các mục tiêu của Quy hoạch xây dựng vùng Mê Linh phù hợp định hướng Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã phê duyệt.
Tuy nhiên, bản quy hoạch này có một số điểm chưa phù hợp, do chưa đặt vấn đề khai thác hợp lý quỹ đất và không gian khu vực Sông Hồng và bãi Sông Hồng, khu vực phát triển phía Tây của Huyện, tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong đó, tính chất nông nghiệp – hành lang xanh còn dàn trải. Mối liên kết vùng giữa: Hà Nội – Vĩnh Phúc; giữa huyện Mê Linh và các huyện lân cận; giữa các khu vực, chức năng phát triển đô thị về: giao thông; không gian kiến trúc cảnh quan; kinh tế, thương mại, tài chính; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; văn hóa xã hội, du lịch dịch vụ,… chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.
Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, tại các khu vực hai bên đường Vành đai 4 đã xác định một bên là đô thị, một bên là khu vực hành lang xanh nông nghiệp, trong khi thực tế phát triển cho thấy các cụm điểm dân cư nông thôn lân cận tuyến đường trong hành lang xanh với tính chất quần cư đô thị có sức phát triển tự nhiên.
“Điều này đặt vấn đề cần nghiên cứu khả năng tổ chức không gian thích ứng giữa nhu cầu phát triển tự nhiên và mục tiêu duy trì không gian hành lang xanh có tính đến việc xem xét phát triển đô thị phù hợp, đồng bộ”, đơn vị này nhấn mạnh.
Quan điểm của Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội là quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh cần phải định hướng sự phát triển huyện Mê Linh gắn với sự phát triển của Thủ đô.
Thứ nhất, huyện Mê Linh là một phần của Thành phố mới tương lai, tức là hành phố trong thành phố.
Thứ hai, quy hoạch huyện Mê Linh theo hướng lên thành Quận sau năm 2025, theo kế hoạch được UBND Thành phố phê duyệt tại kế hoạch 130/KH-UBND ngày 22/6/2020.
Đồng thời, nghiên cứu mọi tiềm năng, lợi thế của huyện Mê Linh trong mối liên hệ vùng, tập trung nghiên cứu phát triển đô thị gắn với trục trung tâm là đường Vành đai IV đi qua huyện 16 km, làm động lực phát triển chính.
Nghiên cứu quy hoạch huyện Mê Linh phát triển hài hòa về đô thị, công nghiệp, nông nghiệp sinh thái, dịch vụ, du lịch.
Quy hoạch phát triển đô thị, nông nghiệp sinh thái; Quy hoạch bảo tồn các làng nghề gắn liền với phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch.
Dựa trên thực tiễn phát triển của khu vực đề xuất mở rộng hoặc giới hạn và phân kỳ, củng cố các khu vực đô thị, cụm công nghiệp hiện có, các trung tâm cụm xã và các điểm dân cư nông thôn có tính chất đô thị hóa khác; phát triển và bảo vệ giá trị không gian các khu vực nông thôn, làng mạc truyền thống, khả năng phát triển du lịch;
Xây dựng huyện Mê Linh thành một vùng đô thị công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp sinh thái kết hợp công nghệ cao. Đến năm 2030, Mê Linh trở thành vùng phát triển của Thành phố, có hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản hoàn chỉnh, các vùng nông thôn được cải tạo và phát triển đảm bảo các tiêu chí theo mô hình nông thôn mới, xây dựng và phát triển một số khu đô thị xanh, đô thị sinh thái.
“Nói tóm lại, Mê Lính sẽ là khu vực phát triển đô thị dịch vụ ở cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố gắn với vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp dịch vụ thân thiện môi trường; là vành đai xanh, nêm xanh của thành phố cũng như là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, nghỉ dưỡng y tế cấp vùng phía Bắc Hà Nội”, đơn vị này nêu.