Cứ 7 giờ sáng thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, “mẹ Hòa” lại tất bật lên lớp với những đứa trẻ tự kỷ, khuyết tật.
23 năm dạy miễn phí cho trẻ thiệt thòi
Trong 30 năm làm giáo viên tiểu học thì cô Lê Thị Hoà (SN 1973, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã có 23 năm dạy miễn phí cho trẻ thiệt thòi. Đó là những đứa trẻ không may bị tự kỷ, khuyết tật hoặc mang trọng bệnh.
Năm 2001, từ căn phòng bếp nhỏ bé chỉ 10m2 của nhà mình, cô Hòa đã biến thành lớp học tình thương. Sau gần 7 năm, số học sinh ngày càng đông, thương các con phải học trong không gian chật hẹp, cô Hòa ngỏ ý xin mượn một phòng khách của Chùa Hương Lan (thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, cách nhà 2km) để làm lớp học.
Năm 2007, lớp học nơi cửa chùa chính thức “khai giảng” với 42 học sinh. Trong số này có 14 học sinh khuyết tật, còn lại là những em không được đến trường hoặc chậm phát triển về nhận thức.
Quản lớp với học sinh bình thường khó một thì quản lớp học của học sinh khuyết tật vất vả gấp trăm lần. Cô Hòa kể: “Có những bạn đến lớp chảy dãi ướt đến vài cái khăn trong một buổi sáng, rồi thỉnh thoảng lên cơ co giật; có bạn còn cắn chảy máu tay cô giáo”.
Tình thương và lòng kiên nhẫn đã giúp cô Hòa vượt qua những vất vả để dạy dỗ các con từ câu chào hỏi đến đánh vần chữ cái. Những em bị câm điếc bẩm sinh, cô đã tìm và xin các tài liệu về kí hiệu, khẩu hình để hướng dẫn các em học theo.
Trong lớp từng có 2 bạn bị câm điếc là Xuân và Miền theo học từ năm 11 tuổi. Khi các em 18 tuổi, cô Hòa xin cho vào làm trong một sơ sở dệt may. 2 em Xuân và Miền hiện có việc làm và thu nhập. Các em thường xuyên nhắn tin hỏi thăm “mẹ Hòa”.
“Trải qua không biết bao gian nan vất vả và đó là những “quả ngọt” tôi nhận được. Mỗi khi nhận được tin nhắn của các con, tôi xúc động lắm” – cô Hòa nói.
Việc tốt lan tỏa
Lớp học của cô Hòa giờ đây đã có gần 90 học sinh tuổi hơn kém nhau đến 5 lần (từ 6 tuổi đến 31 tuổi). Nhiều phụ huynh nghe tiếng đã bảo nhau đưa con từ Mỹ Đức, Hà Đông, Đan Phượng và cả các quận nội thành Hà Nội đến với lớp học của “mẹ Hòa”.
Tôi không bao giờ nhận tiền của ai khi dạy các con. Kể cả những người tài trợ cho lớp học tình thương cũng vậy, ai muốn giúp đỡ thì mua quần áo, đồ ăn, sách vở cho các con, nếu có điều kiện hơn thì mua quạt, bàn ghế để phục vụ cho việc học”.
Cô Lê Thị Hoà, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội
Nhiều cô giáo, sinh viên tình nguyện biết đến lớp học cũng tình nguyện đồng hành cùng cô Hòa để duy trì lớp học tình thương không hưởng thù lao.
Ít ai biết, đằng sau gương mặt tươi cười, dễ mến và sự tần tảo dành cho trẻ thiệt thòi ấy, cô Hòa từng trải qua những khó khăn không thể tưởng tượng. Năm 2013, cô sinh con bị nhiễm trùng sau sinh nên phải ở viện điều trị 20 ngày.
Ra viện, tuy vết thương còn chưa lành nhưng cô sốt ruột với lớp học vì không có cô các em sẽ quấy hơn, nên cô vẫn địu con đến lớp vừa dạy vừa trông con. Sau này khi con cái lớn lên, cô Hòa cũng đỡ vất vả hơn và tập trung nhiều cho công việc dạy trẻ tự kỷ, khuyết tật.
Nhiều người vẫn gọi cô giáo Hòa là “Hiệu trưởng không chức danh”. Sau mấy chục năm bền bỉ gieo chữ cho học sinh khuyết tật, đã có hàng chục em “tốt nghiệp” và có thể tự đi làm nuôi sống bản thân.
Gần 10 cô giáo đồng hành với lớp học vẫn nguyện sẽ tiếp tục công việc đến khi nào còn sức khỏe, không để bị gián đoạn kể cả trong những lúc khó khăn nhất. Việc tốt của cô Lê Thị Hoà đã âm thầm lan tỏa.
Năm 2019, cô được Thành phố Hà Nội vinh danh “Công dân Thủ đô tiêu biểu” bởi những cống hiến vì cộng đồng.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/me-hoa-cua-lop-hoc-tinh-thuong-noi-cua-phat-20240910143417265.htm