Số "vốn" 2 triệu đồng trên đất Mỹ
"Ngày 8/8/2010, khi đặt chân xuống sân bay San Francisco, Mỹ, tôi hoang mang lắm và chưa định hình được cuộc sống sắp tới của ba mẹ con sẽ diễn ra thế nào. Lúc đó, trong túi tôi chỉ còn đúng 120 USD, trong đó 100 USD là tiền được mẹ cho thêm. Thời điểm đó, tỷ giá USD là 18.000 đồng, nên quy đổi ra chỉ khoảng 2 triệu đồng", bà Tuyết bắt đầu kể lại hành trình khởi nghiệp nơi đất khách quê người của mình.
Sinh ra và lớn lên ở ngã tư Hàng Xanh thuộc quận Bình Thạnh, TPHCM, sau khi lấy chồng, bà Đỗ Thị Ánh Tuyết, 55 tuổi, từng qua tay đủ mọi nghề, từ may vá, mở quán ăn, kinh doanh môi giới bất động sản cho tới bán đồ trang trí nội thất.
Tuy nhiên kinh tế trong nhà vẫn do chồng lo liệu là chính, bà chỉ phụ giúp thêm. Cuộc sống của gia đình nhỏ gồm bố mẹ và 2 người con trai cứ thế bình lặng trôi qua.
Năm 2006, biến cố lớn trong gia đình bất ngờ ập tới. Người chồng bị đột quỵ rồi qua đời ở tuổi 39. Bà Tuyết hoang mang và chênh vênh khi ba mẹ con mất đi chỗ dựa về tinh thần và kinh tế vững chắc. Dù làm nhiều nghề để kiếm sống nhưng việc nuôi hai con nhỏ (13 tuổi và 9 tuổi) giữa TPHCM khiến cuộc sống của ba mẹ con rất chật vật.
Sau thời gian dài suy nghĩ và cân nhắc, lại có chị gái ở Mỹ làm thủ tục bảo lãnh, bà Tuyết quyết định tìm hướng mới cho bản thân. 4 năm sau khi chồng mất, ba mẹ con lên đường mưu sinh nơi xứ người.
Trước khi sang Mỹ, bà Tuyết thuê một phòng trong căn hộ của người chị gái với giá 300 USD. Sau khi làm xong thủ tục giấy tờ, mua vé máy bay, gần như trong túi người phụ nữ sinh năm 1969 không còn tiền. Bà được mẹ cho thêm 100 USD làm chi phí phòng thân.
3 mẹ con đặt chân xuống sân bay quốc tế San Francisco (Mỹ), được anh rể tới đón và đưa về nhà chị gái để ăn uống nghỉ ngơi.
"Nghĩ lại thời điểm đó, tôi không nhớ bằng sức mạnh nào đã vượt qua được. 3 mẹ con ở trong một căn phòng nhỏ, dùng chung chiếc điện thoại Nokia chỉ có chức năng nghe gọi", bà Tuyết kể.
Khi mới chân ướt chân ráo tới đất Mỹ, người phụ nữ TPHCM xác định sẽ theo nghề nail (làm móng) để mưu sinh, đảm bảo cuộc sống trước mắt cho 3 mẹ con.
Trong vòng 3 tháng đầu, bà Tuyết nỗ lực hoàn thành đủ giấy tờ (số an sinh xã hội, thẻ thường trú nhân) để bắt đầu xin học. Thời điểm năm 2010, muốn làm nghề móng tại bang California, người lao động phải học đủ 400 tiếng trên trường mới được cấp bằng. Bà vừa làm phục vụ ở nhà hàng, cứ đi làm lại tích góp khoản tiền để đóng dần học phí, trả tiền xăng xe đi lại.
Sau khi nhận được tấm bằng trong tay, bà Tuyết xin làm trong một tiệm làm móng nhỏ ở địa phương. Người phụ nữ làm 7 ngày một tuần để có tiền trang trải cuộc sống. Trong khi đó, hai người con trai được trường học tại địa phương chấp nhận nhập học.
Thời gian đầu, khả năng giao tiếp còn hạn chế và tay nghề chưa có nhiều kinh nghiệm, mỗi ngày bà chỉ nhận được 3-4 khách. Thường các khách sẽ là người chỉ cần sơn nước, không làm móng quá cầu kỳ.
Phục vụ khách nhiệt tình và có thái độ cầu thị nên sau một thời gian bà có nguồn khách quen ổn định hơn. Ngoài mức lương chính 9USD/giờ, bà còn được khách cho thêm tiền tip từ 10%-15% trên tổng hóa đơn.
Sau khi hoàn thành khóa học và được nhận chứng chỉ hành nghề, ba mẹ con dọn ra ngoài thuê phòng riêng. Suốt năm đầu tiên, người phụ nữ TPHCM không nề hà, làm mọi việc để có tiền. Khoản lương một tháng khoảng 2.000 USD (thời điểm năm 2010) nhưng đến đâu tiêu sạch tới đó mà không có đồng dư dả.
Ngoài khoản nặng gánh nhất là tiền thuê nhà, bà còn mua xe ô tô trả góp để tiện di chuyển, lo khoản xăng dầu, phí bảo hiểm xe. Để đỡ đồng ra đồng vào, người phụ nữ làm đơn gửi chính quyền để nhận hỗ trợ cho trường hợp hoàn cảnh neo đơn. Mỗi tháng, 3 mẹ con có thêm 260 USD để mua thực phẩm, gạo, dầu, mắm, muối...
"Ở Mỹ, nếu biết nấu ăn ở nhà thì sẽ đỡ các khoản chi tiêu rất nhiều. Lúc nào tôi cũng trong trạng thái tính toàn từng đồng thu chi mới đảm bảo cuộc sống gia đình", bà nói.
"Cơ hội nằm trong tay, kiếm tiền bằng bản lĩnh"
Sau khoảng thời gian chạy ăn từng bữa, tới tháng thứ 7, Thiên Trúc, cậu con trai lớn bắt đầu có ý thức kiếm tiền. Thấy mẹ vất vả, Trúc dậy sớm nhận việc giao báo buổi sáng tới nhà người dân xung quanh. Mọi việc phải kết thúc trước 6h sáng. Sau đó, Trúc về nhà nghỉ ngơi ăn uống để kịp 9h tới trường.
Chỉ một thời gian ngắn sống ở Mỹ, bà Tuyết nhận thấy quốc gia này có rất nhiều cơ hội để kiếm tiền, chỉ cần chịu khó chăm chỉ. Nhiều công việc tại đây không giới hạn độ tuổi làm việc, quan trọng người làm có đáp ứng được nhu cầu hay không.
"Tôi luôn tâm niệm chỉ cho phép bản thân được vất vả chật vật trong một năm đầu, không được phép để quãng thời gian này kéo dài quá lâu. Cũng trong năm đầu tiên tới Mỹ, chưa bao giờ tôi được ngủ trước 0h đêm và dậy sau 6h sáng và luôn ước ngày có 48 tiếng để được làm nhiều hơn, kiếm thêm tiền để cuộc sống mấy mẹ con đỡ cực. Ở Mỹ chỉ sợ lười biếng chứ không bao giờ thiếu việc để làm", bà nhận xét.
Đơn cử như công việc làm móng, nếu người thợ có năng khiếu thì không kể, nhưng chỉ cần chịu khó, đáp ứng được 50% theo ý khách hàng đều nhận được thêm khoản tiền tip.
"Trong tiệm làm móng có rất nhiều dịch vụ để thợ tha hồ sáng tạo. Nếu thợ biết đắp bột, vẽ móng sẽ tăng nguồn thu rất nhiều. Ví dụ một bộ móng có giá 50 USD, nhưng nếu thợ biết chiều theo ý khách, vẽ theo sở thích của họ có thể nhận về 65 USD chưa kể tiền boa. Bởi vậy, mọi cơ hội đều nằm trong tay và thu nhập phụ thuộc vào bản lĩnh của mỗi người", bà Tuyết nói.
Đến năm thứ 2, cuộc sống của 3 mẹ con dễ thở hơn. Thiên Trúc biết tự lái xe để đưa đón em nhỏ tới trường thay mẹ. Nhờ đó, bà chỉ làm 6 ngày/tuần và dư ra một ngày để nghỉ ngơi. Mức thu nhập của bà mẹ cũng tăng lên nhờ kinh nghiệm trong nghề và khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt dần.
"Miễn sao lấy bằng đại học trước tuổi 60"
Hơn 30 năm trước, khi đang học đại học năm thứ 2, bà Tuyết phải tạm gác giấc mơ giảng đường để về làm công nhân vì lo kinh tế cho gia đình. Sau đó, khi đã lấy chồng sinh con và sang Mỹ mưu sinh, người phụ nữ 55 tuổi vẫn không nguôi giấc mơ đi học.
Năm 2019 khi các con đã trưởng thành tự lo được kinh tế, ước mơ trở lại giảng đường của người phụ nữ gốc Việt lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn.
Thời gian đầu, bà chọn học chương trình Tiếng Anh tổng quát tại trường Cosumnes River College trong hai năm, sau đó đáp ứng điều kiện chuyển tiếp lên đại học chuyên ngành dinh dưỡng.
Khi Covid-19 ập tới, lớp học phải chuyển sang kiểu học trực tuyến. Do trình độ nghe chưa ổn nên việc học của bà phải tạm hoãn. Tới mùa xuân năm 2022, bà chính thức đi học trở lại.
Lúc này, bà Tuyết càng học càng thấy mê, thậm chí có thể ngồi ôn bài tới 2h sáng không biết mệt. Mọi thời gian trong tuần bà đều dành cho việc học và chỉ đi làm kiếm tiền vào những ngày cuối tuần.
"Lúc này tôi chỉ cần lo khoản trả góp tiền xe, chi trả bảo hiểm xe còn gánh nặng kinh tế đã có các con phụ giúp nên mọi thứ đỡ đau đầu hơn", bà nói.
Đến đầu năm 2024, bà vượt qua kỳ thi lớp tiếng Anh và đủ điều kiện theo học chuyên ngành lựa chọn. Người phụ nữ gốc Việt bộc bạch, nghề làm móng giúp mình giải quyết cuộc sống mưu sinh nơi đất khách nhưng đó không phải sở thích.
Bà muốn học chuyên ngành dinh dưỡng để biết thêm về sức khỏe, bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Nếu sau này ra trường nhận được bằng, bà sẽ được làm công việc mình thích và hỗ trợ cho cộng đồng.
Bà nhận thấy, nhiều người lớn tuổi trong cộng đồng người Việt ở Mỹ vì những lý do riêng như mặc cảm nên không dám bứt lên để học thêm tiếng Anh dẫn tới rào cản lớn về ngôn ngữ. Nếu ngoại ngữ tốt, người lao động có cơ hội, dễ dàng tìm kiếm việc làm hơn.
"Tháng 8 tới đây tôi mới chính thức bước vào cuộc chơi lớn kéo dài 4 năm. Sau cú sốc chồng mất đột ngột, tôi nhận thấy mọi thứ xảy ra trong đời không còn gì ghê gớm nữa mà đều có cách giải quyết để vượt qua.
Cuộc đời chỉ có một lần sống, tại sao chúng ta chỉ sống theo bản năng mà không phấn đấu theo khả năng? Miễn sao tôi có thể lấy bằng đại học trước tuổi 60 là được", bà nói vui.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/me-don-than-trong-tui-con-2-trieu-dong-dat-2-con-sang-my-muu-sinh-20240602233410558.htm
Bình luận (0)