Chị Lê Thúy Ngân, có con gái học cấp 2 tại một trường ở Hà Nội kể, mới đây trường đã vận động ủng hộ đồng bào lũ lụt.
Là người trực tiếp đứng ra kêu gọi học sinh trong lớp nhưng chỉ một lần duy nhất cô giáo chủ nhiệm của con gửi thông tin về việc đóng góp trong nhóm chung với phụ huynh.
Nội dung cô nhắn như sau: “Việc ủng hộ này là tự nguyện, không bắt buộc. Các bố mẹ cân nhắc điều kiện của mình để tham gia hoặc không, không sao cả”.
Người mẹ tiết lộ, chị thay con góp số tiền nhỏ 50.000 đồng. Tâm trạng chị lúc đó có phần lo lắng rằng, đóng góp như vậy có ít không, cô và các phụ huynh khác nghĩ thế nào…
Giữa sức tàn phá của cơn bão số 3 với người dân nhiều tỉnh phía Bắc, chị Ngân không muốn đong đếm chuyện ủng hộ. Tuy nhiên, chị ly hôn chồng, một mình nuôi hai con, hàng tháng một mình chị gồng gánh đủ khoản chi phí. Đặc biệt là dịp đầu năm học, hàng loạt khoản chi chị phải vay mượn để xoay xở.
Việc ủng hộ đồng bào vùng lũ, chị cũng đóng góp chút ít qua công ty, qua địa phương… Vậy nên, khi nhà trường phát động, người mẹ cũng phải cân nhắc ít nhiều.
Tuy nhiên, trong suốt tuần quyên góp đó, chị Ngân cho biết không như những lớp khác, cô giáo chủ nhiệm không cập nhật danh sách đóng góp, cũng không hề nhắc nhở, gợi ý, thúc giục phụ huynh về việc ủng hộ.
Khi thông báo hết thời gian ủng hộ, không nhận thêm thì cô giáo mới gửi thống kê phụ huynh đóng góp để công khai số tiền góp được.
Trong danh sách này, cô chỉ ghi tên phụ huynh đóng góp, không kèm thông tin là bố/mẹ của học sinh nào.
Khi thống kê số tiền, cô nói: “Lớp mình ủng hộ ít nhất trường nhưng không sao cả, mình có thế nào góp thế đó, không để việc tự nguyện làm mình phải nặng nề. Bản thân cô cũng chỉ đóng góp chung cùng lớp 50.000 đồng. Cô cảm ơn tất cả phụ huynh”.
Đọc dòng tin nhắn của cô, chị Ngân cay xè mắt. Nước mắt chị cứ vậy mà chảy ra vì xúc động. Từ khi có con, chị trở nên dễ khóc với những hạnh phúc, cảm động nhỏ bé như vậy.
Cô không ganh đua, không áp lực trong việc đóng góp và cũng không gây áp lực cho phụ huynh. Cô cũng không ngần ngại chia sẻ về số tiền khiêm tốn mình đã góp. Cách làm của cô giúp chị và nhiều phụ huynh khác cảm thấy nhẹ nhõm.
Chị Lê Thúy Ngân cho biết, không ít lần chị áp lực với các khoản tự nguyện, vận động. Hai con đi học chưa nói đến các khoản tiền trường, còn hay có các quỹ heo đất, nụ cười hồng ủng hộ học sinh khó khăn, thiên tai. Rồi ở tổ dân phố, các tổ chức… cũng gõ cửa kêu gọi ủng hộ khoản này khoản nọ.
Chị cũng đã từng chứng kiến trường hợp giáo viên liệt kê danh sách học sinh không đóng góp quỹ ủng hộ dù rằng đây là khoản tự nguyện.
Theo chị Ngân, việc vận động ủng hộ thiện nguyện phải đúng tinh thần tự nguyện. Cách thực hiện phải tế nhị để người tham gia không bị áp lực với chính đồng tiền trao đi của mình.
Qua các hoạt động hay cách thực hiện những chương trình tự nguyện ở trường học cũng thể hiện rõ tư duy, bản lĩnh và cả tấm lòng của người làm công tác giáo dục.
Những ngày qua, dư luận xôn xao trước sự việc một trường học ở TPHCM chỉ tặng giấy khen cho học sinh ủng hộ đồng bào lũ lụt từ 100.000 đồng. Ở đó, lòng nhân của học sinh, của phụ huynh được nhà trường đặt lên bàn cân đong đếm.
Bên cạnh “bàn cân” này, không ít trường học tổ chức hoạt động tự nguyện đúng với hai chữ “tự nguyện”.
Chị Trần Thu Quyên, có con học tiểu học ở thành phố Thủ Đức, TPHCM cho biết ở trường con chị, nhà trường không thông báo về việc quyên góp, ủng hộ.
Nhưng trong ngày hoạt động trung thu vừa rồi, có một thùng quyên góp nhỏ để ở góc sân trường. Học sinh, phụ huynh nếu muốn có thể góp chút tiền vào cùng chung tay với nhà trường.
Chị nhìn thấy trong thùng quyên góp có tờ 2.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng. Con gái chị Quyên cũng trích ra 20.000 đồng trong số tiền 100.000 đồng cháu được công ty bố tặng dịp trung thu.
Trái ngược với trường hợp nhà trường tặng giấy khen cho học sinh ủng hộ từ 100.000 đồng, tại Hà Nội, trong thông báo phát động phong trào ủng hộ quyên góp cho đồng bào vùng lũ, Trường THCS và THPT MV.Lômônôxốp quy định các em không được ủng hộ quá 30.000 đồng.
Theo ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT MV.Lômônôxốp, nhà trường phát động quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt các tỉnh phía Bắc trên cơ sở đảm bảo tính giáo dục, khơi dậy tinh thần đùm bọc, chia sẻ ở học sinh nhưng đồng thời phải giúp các con cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc với việc cho đi, tránh sự phô trương hay so sánh giữa các con.
Số tiền 30.000 đồng, theo đại diện nhà trường nằm trong khả năng ủng hộ của học sinh. Các em có thể dùng tiền tiết kiệm hoặc tiền tiêu vặt của bản thân để ủng hộ mà không cần phải xin tiền bố mẹ. Việc ủng hộ thực sự là việc của học sinh thay vì là việc của phụ huynh.
Quyết định rõ ràng nhất trong việc này phải kể đến yêu cầu các trường không tổ chức vận động tài trợ từ phụ huynh học sinh từ Sở GD&ĐT Hải Phòng trước ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/me-don-than-cay-xe-mat-truoc-loi-co-lop-minh-ung-ho-it-nhat-truong-20240926104416537.htm