Giữa thời bình vẫn có những em bé là con liệt sĩ. Các em có chung nỗi đau mất cha – những chiến sĩ ngã xuống để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Trong căn nhà ở góc phố nhỏ thuộc Quận Đống Đa, Hà Nội, gương mặt bé Đặng Tài Tuệ (SN 2009) – con thứ hai của liệt sĩ Đặng Anh Quân, Thượng tá, Đội trưởng đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ – Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội), vẫn phảng phất nét buồn man mác.
Ân tình của “mẹ đỡ đầu”
Chị Nguyễn Thu Huyền, vợ liệt sĩ Đặng Anh Quân, nghẹn ngào kể: “Cả hai anh em bé Tuệ từ ngày bố hy sinh đều ít nói, ít cười đùa hơn, càng ít chia sẻ với người khác. Ngay bản thân tôi, dẫu đã cố gắng gượng thay anh làm chỗ dựa cho con, mỗi khi nghĩ đến anh, tôi vẫn khó mà kìm lòng nổi…”.
Con trai liệt sĩ Đặng Anh Quân nhận được sự quan tâm, chăm sóc của “mẹ đỡ đầu”. (Ảnh: Cẩm Hà) |
Cố nín lặng hồi lâu, nước mắt chị vẫn không ngừng rơi, chị bảo: “Anh Quân 4 tuổi đã mồ côi cha. 25 năm anh phấn đấu trở thành người Đội trưởng ưu tú trong ngành Công an, là chỗ dựa cho mẹ già và vợ con cả về tinh thần lẫn vật chất, vậy mà anh đã bỏ mẹ con tôi, đi mãi”.
Đó là chuyện xảy ra tháng 8/2022, khi đám cháy bùng lên tại quán karaoke số 231 Quan Hoa (Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), Thượng tá Đặng Anh Quân cùng hai đồng đội của mình đã không quản nguy hiểm, lao vào biển lửa giải cứu thành công 8 nạn nhân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, Thượng tá Đặng Anh Quân cùng hai đồng đội đã anh dũng hy sinh.
Thượng tá Đàm Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ Cục Đối ngoại-Bộ Công an, chia sẻ: “Cũng như bao đồng đội khác, chúng tôi luôn ghi nhớ ngày anh Quân và hai đồng đội còn rất trẻ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Cùng đơn vị đến chia buồn, lòng ai cũng nặng trĩu và càng xót xa hơn khi chứng kiến hoàn cảnh của gia đình anh.
Đó là người mẹ già đã ngoài 70 tuổi, không có lương hưu, bà cụ vẫn hàng ngày bán quán nước ở đầu ngõ kiếm thêm thu nhập, cùng các con chăm nuôi hai cháu.
Vợ anh Quân công tác tại Viện ngôn ngữ, trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam gần như ngã gục, vì mất mát đến quá bất ngờ với chị. Anh Quân hy sinh, trụ cột chính của gia đình mất đi, để lại khoảng trống không gì bù đắp cho mẹ già và vợ con”.
Ngay khi có kế hoạch phát động từ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Phụ nữ Bộ Công an, chị em Hội phụ nữ Cục đối ngoại đã cùng đến nhà động viên, chia sẻ với gia đình anh Quân và xin phép được là “mẹ đỡ đầu” của con Đặng Tài Tuệ – con trai thứ hai của anh Quân, với mong muốn được đồng hành cùng mẹ Huyền yêu thương chăm sóc cho đến khi con trưởng thành.
Sự yêu thương, đùm bọc của đồng đội
Những ngày tháng 7, cả nước hướng về ngày tri ân các liệt sĩ, chị Nguyễn Thị Liên, vợ của liệt sĩ Nguyễn Đình Long chia sẻ: “Anh Long đã rời xa mẹ con tôi 15 năm rồi, nhìn hai con lớn ngần này mới biết anh đã đi rất xa. Ngẫm lại, tôi cũng không biết mình đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng đó thế nào”.
Chị khẽ cười: “Đúng là ba mẹ con tôi rất thiệt thòi, nhưng chúng tôi được sống trong sự yêu thương, đùm bọc của đồng đội anh. Anh Long đi xa, căn nhà của mẹ con tôi được đồng đội anh bù đắp, được sưởi ấm nên không còn cô quạnh”.
Liệt sĩ Nguyễn Đình Long, công an xã Vụ Bôn, huyện Krông Păk (tỉnh Đăk Lăk), có hai con là Nguyễn Phương Thảo (SN 2005) và Nguyễn Đình Hiệp (SN 2007).
Năm 2008, khi anh Long cùng đồng đội tham gia giải quyết vụ việc gây mất an ninh trật tự trên địa bàn với nhóm côn đồ, hung hãn, có vũ khí, anh Long bị thương và đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, để lại cho người vợ trẻ hai con còn nhỏ dại, đứa lớn mới 3 tuổi, đứa nhỏ hơn 1 tuổi.
Trung tá Cao Thị Hoài Nhãn, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an huyện Krông Păk, nhớ lại: “Ngay khi anh Long ngã xuống, đơn vị đến chia buồn với gia đình anh, chứng kiến gia cảnh nhà liệt sĩ Long với ngôi nhà mái tranh đã cũ, nhất là hai con anh còn quá nhỏ, ngơ ngác thấy nhà đông người và vẫn chơi đùa với nhau như mọi ngày, chúng tôi không ai cầm được nước mắt”.
Sau hôm tiễn đưa liệt sĩ Nguyễn Đình Long chu tất, Hội phụ nữ huyện vẫn chia nhau đến nhà động viên, sẻ chia với vợ con anh Long, giúp hai con nhỏ ăn, ngủ, vì vợ anh Long vẫn chưa thể hồi phục sau biến cố này.
Một thời gian sau, Hội phụ nữ huyện quyết định xin phép Hội phụ nữ Công an tỉnh Đăk Lăk và lãnh đạo Công an huyện Krông Păk tìm cách giúp ba mẹ con của liệt sĩ Long, bằng cách nhận đỡ đầu cháu Nguyễn Thị Phương Thảo và Nguyễn Đình Hiệp, để chia sẻ bớt gánh nặng nuôi con với gia đình liệt sĩ Long.
Khi ấy, Hội vận động các nguồn lực bên ngoài trao tặng học bổng cho hai cháu với số tiền 200 triệu đồng. Ngoài ra, Hội cũng quyết định nhận đỡ đầu chăm sóc hai con, với mức kinh phí 6 triệu đồng/năm/cháu. Vào các ngày lễ, Tết, ngày 27/7, hay dịp năm học mới, chị em Hội phụ nữ đơn vị lại đến cùng chia sẻ bữa ăn với gia đình, cùng các con ôn bài, chơi đùa cùng các con.
Nhờ có sự chung tay, sẻ chia bền bỉ từ những việc làm nhỏ nhất của các “mẹ đỡ đầu”, gia đình của liệt sĩ Long đã vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống.
Trung tá Cao Thị Hoài Nhãn cho biết: “Con lớn của liệt sĩ Long năm nay vừa tốt nghiệp cấp ba. Chúng tôi đang có kế hoạch tiếp tục đỡ đầu cho hai con đến khi học xong Đại học, thay vì chỉ đến 18 tuổi như kế hoạch ban đầu, để bớt đi gánh nặng lo cho các con học Đại học của vợ liệt sĩ”.
Hai con của liệt sĩ Nguyễn Đình Long trong vòng tay ấm của các ‘mẹ đỡ đầu”. (Ảnh: Cẩm Hà) |
Nói về mong ước hôm nay, chị Nguyễn Thị Liên, bảo: “Cuộc sống của ba mẹ con nay đã ổn định, ấm áp trong vòng tay các “mẹ đỡ đầu”, tôi không mong ước gì hơn.
Con gái lớn vừa tốt nghiệp cấp ba có mong ước vào trường An ninh để theo nghiệp bố, còn chưa biết có đủ điểm hay không. Cậu con nhỏ cũng có ước mơ được nối nghiệp cha như cô chị để bảo vệ nhân dân, làm việc có ích cho xã hội”.
Có thể thấy, vòng tay ấm của các “mẹ đỡ đầu” đang ngày càng lan toả trên mọi miền Tổ quốc đã thực sự xoa dịu nỗi đau mất mát, khoả lấp những khoảng trống với gia đình, vợ con và người thân các liệt sĩ để lại.