Mất con trai vì rạn nứt với con dâu
Một nghiên cứu mới từ Đại học Cambridge, bộ môn Nghiên cứu gia đình và Tổ chức có tên gọi Stand Alone Institute vừa phát hiện rằng vết rạn nứt giữa bố mẹ chồng và con dâu là lý do phổ biến nhất gây đổ vỡ cho gia đình lớn.
Nghiên cứu dựa trên những câu trả lời của hơn 800 nam giới và phụ nữ ở Anh. Những người này đều ít hoặc không hề liên lạc với các thành viên trong gia đình họ. Nghiên cứu cho thấy bất hòa giữa bố mẹ và con trai kéo dài hơn 1/3 so với giữa bố mẹ và con gái. Rạn nứt hay gặp nhất giữa bố mẹ và con gái thường là các vấn đề về sức khỏe tâm lý và bạo hành tinh thần.
Nhưng vấn đề hay gặp nhất khiến bố mẹ và con trai lìa nhau thì lại liên quan tới ly hôn, mối quan hệ với con dâu và tình trạng kết hôn của con.
Một người tham gia nghiên cứu viết: “Con trai và tôi có mối quan hệ yêu thương gắn bó sâu sắc 25 năm. Từ khi thằng bé gặp vợ nó, mối quan hệ của mẹ con tôi bắt đầu thay đổi. Mọi người quen biết, gồm cả bạn bè và người thân đều nhận thấy và cảm nhận được điều này. Con tôi đã từ mặt tất cả những người không thích vợ nó”.
Trước đây, thường rạn nứt giữa bố mẹ và con cái hay xảy ra do phụ huynh chối bỏ máu mủ của mình, nhất là khi con cái lầm đường lạc lối, cưới nhầm người. Hiện nay, có vẻ như sự đảo chiều càng phổ biến hơn – con cái cắt liên lạc, lạnh nhạt với bố mẹ. Vậy điều gì đã thay đổi.
Khi chúng ta lấy vợ lấy chồng muộn hơn, thì bố mẹ cũng ít có khả năng bảo con lấy người này hay người khác hơn. Thường, người ta dễ bắt một người 25 tuổi vâng lời hơn là một người 35 tuổi.
Nhưng cũng có các yếu tố khác tác động đến việc này. Hôn nhân ngày càng trở nên tách biệt khỏi gia đình và cộng đồng. Ngày càng ít các cuộc hôn nhân liên minh kinh tế giữa hai gia đình hay hôn nhân sắp đặt. Thay vào đó, ngày càng nhiều những cuộc kết hôn vì tình yêu và khi đó, điều duy nhất quan trọng là hai người có thực sự yêu nhau không.
Các trường hợp quan hệ bố mẹ và con cái trở nên xa cách thường xảy ra với con trai nhiều hơn, như nhiều người thổ lộ rằng con trai vẫn là con mình cho tới lúc cậu ta lấy vợ, nhưng con gái thì sẽ là con mình cả đời.
Điều mẹ chồng không nên làm với con dâu tránh gia đình tan vỡ
Chuyên gia Amberlee Lovell của tờ Family Today, đưa ra lời khuyên dành cho các bà mẹ chồng:
Không can thiệp cách nuôi dạy con của con dâu
Lí do cơ bản nhất, con dâu mới chính là mẹ của đứa trẻ còn mẹ chồng thì không. Là mẹ chồng, bạn có thể không đồng ý với cách nuôi dạy con của con dâu nhưng bạn cần hiểu vợ chồng trẻ là người có trách nhiệm trước tiên và quan trọng nhất trong việc nuôi dạy đứa cháu.
Không chỉ trích con dâu với con trai của mình
Xét về mặt bản chất. một cuộc hôn nhân là mối quan hệ giữa con trai của bạn và một cô gái khác và mẹ chồng không có vai trò gì trong đó. Việc đi nói xấu con dâu với chồng của cô ấy chỉ làm tổn hại cuộc hôn nhân của họ mà thôi. Thay vì chỉ trích con dâu, mẹ chồng bạn nên tìm điểm tốt về con dâu và nuôi dưỡng điều tốt đẹp đó.
Không bao giờ nói: “Sao con không thử làm thế này?”
Cũng giống như con trai bạn, con dâu có quyền “được mắc sai lầm” và bạn nên chấp nhận điều đó. Xét cho cùng học thông qua kinh nghiệm và thất bại là cách học tốt nhất.
Không bao giờ “càm ràm” về thời gian ở cùng gia đình con
Theo Amberlee Lovell: “Mẹ chồng muốn dành nhiều thời gian bên con cháu là lẽ tự nhiên nhưng mẹ chồng không bao giờ nên tùy hứng đến thăm hay phàn nàn về thời gian con trai dành cho mình nhiều hay ít”.
Không kì vọng con trai “coi mẹ là trên hết”
Lúc này người con trai bạn đã có gia đình riêng và đó sẽ là ưu tiên hàng đầu của cậu ấy. Có thể người mẹ sẽ thấy khó chịu vì mình không còn là người phụ nữ số 1 trong đời sống của con trai nữa. Tuy nhiên, bạn nên học cách chấp nhận thực tế này.
Ngoài ra mẹ chồng cũng tuyệt đối không nên bắt con trai phải chọn giữa mẹ và vợ.
Không bao giờ phản đối lựa chọn vợ của con trai
Người mẹ nên tôn trọng quyết định chọn vợ của con trai mình. Có thể bà không đồng ý với quyết định đó nhưng người ra quyết định cuối cùng vẫn là người con trai.
Không buộc con phải sống gần mình
Mẹ chồng không nên ra quyết định này thay con. Ai cũng hiểu người mẹ mong muốn được ở gần các con mình nhưng bạn cũng nên hiểu gia đình con bạn cần có cuộc sống riêng.
Không kì vọng con dâu thường xuyên tới thăm
Một cuộc gặp mặt chỉ nên diễn ra nếu cả hai cùng mong muốn như vậy. Mẹ chồng không nên chỉ muốn con dâu tới thăm mà bản thân không cố gắng tới thăm vợ chồng con.
Báo trước nếu muốn tới thăm con
Các bà mẹ chồng không nên bất ngờ xuất hiện trước cửa nhà con trai và cho rằng nghiễm nhiên sẽ được vợ chồng con chào đón. Nếu mẹ chồng có ý định tới thăm vợ chồng bạn, bà nên nói trước với bạn trừ những tình huống bà tình cờ đi ngang qua nhà. Điều này đặc biệt quan trọng nếu gia đình bạn đang trong tình trạng không tiện tiếp người ngoài.