Đang có công việc ổn định tại một công ty may mặc, chị Mai Thị Ánh Xuân (hiện 33 tuổi, ngụ xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) quyết định rẽ hướng sang khởi nghiệp trồng nấm vì bản thân vốn mê ăn nấm.
Chị Mai Thị Ánh Xuân cho biết, vào năm 2017, vì bản thân rất mê các món ăn được chế biến từ nấm và nhận thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng cao nên đã bắt đầu tiềm hiểu thông tin liên quan đến việc trồng nấm. Lúc này, ngoài làm công việc nhân viên kế hoạch tại một công ty may mặc trên địa bàn tỉnh, chị còn dành thời gian lên mạng internet mày mò, học hỏi kinh nghiệm trồng nấm sạch.
Ban đầu, Ánh Xuân lựa chọn trồng nấm bào ngư vốn có đặc tính ít bệnh, dễ trồng, kỹ thuật chăm sóc khá đơn giản, lại có giá trị dinh dưỡng cao. Hơn nữa, trồng nấm bào ngư không yêu cầu phải có số vốn lớn và không phải dành quá nhiều thời gian cho việc chăm sóc.
Sau khi lựa chọn được loại nấm sẽ trồng, Ánh Xuân bắt tay vào việc xây dựng nhà trồng nấm. Với số vốn ít ỏi ban đầu, chị nhờ người thân cưa dừa trong vườn, tận dụng luôn lá dừa để lợp mái. Tuy nhiên, do còn thiếu kinh nghiệm trong việc dựng khung chịu lực nên khi treo phôi nấm lên đã khiến cho giàn bị sập. Với sự giúp đỡ của gia đình, nhà nấm sau đó được dựng lại kiên cố hơn.
Sau những khó khăn ban đầu, việc khởi nghiệp của Ánh Xuân cũng dần có những thành quả. Vụ nấm đầu tiên đã thu được lợi nhuận tốt, “thừa thắng xông lên”, Ánh Xuân dành thêm tiền để gia cố nhà nấm, mua sắm thêm thiết bị tưới.
Đến năm 2020, được gặp gỡ nhiều người trong ngành trồng nấm, cũng như đợt đặt hàng, nhu cầu về nắm sạch tăng cao nên Ánh Xuân đã nghĩ đến việc dành nhiều thời gian hơn cho nghề nấm, mở rộng thêm trại nấm và học hỏi thêm kiến thức. Do vậy, chị quyết định nghỉ việc ở công ty để dành toàn bộ thời gian, tâm huyết cho nghề nấm.
Không chỉ dừng lại ở việc trồng nấm bào ngư, với những kinh nghiệm đã có được sau thời gian khởi nghiệp, Ánh Xuân mạnh dạn trồng nêm thêm nhiều loại nấm khác như nấm mối, hoàng kim, hoàng đế, linh chi Đài Loan… Đặc biệt, để nâng cao chất lượng sản phẩm, chị cũng đã chủ động đăng ký và thực hành theo tiêu chuẩn VietGAP.
Với đa dạng loại nấm với chất lượng cao, công với việc bán hàng thông qua các trang mạng xã hội đã giúp cho thị trường tiêu thụ của sản phẩm không chỉ còn bó hẹp trên địa bàn mà còn đến với người tiêu dùng tại nhiều tỉnh/thành trên cả nước.
Theo chị Ánh Xuân, ngoài những khó khăn trong vấn đề kỹ thuật thì vấn đề hạn mặn cũng khiến cho việc sản xuất gặp khó khăn do thiếu nước tưới. Để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt, chị đã đầu tư các bồn chứa nước mưa. Theo cách này, chị vừa giảm được chi phí sử dụng nước máy trong những ngày thường, vừa là giải pháp đảm bảo ổn định nguồn nước tưới ẩm cho nấm phát triển vào mùa nước mặn, khô hạn.
Trong những năm gần đây, nhằm đa dạng cũng như nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm, nấm còn được chị Ánh Xuân kết thành những bó hoa nhiều màu sắc làm quà tặng. Riêng với dòng nấm linh chi, chị còn trồng thành những chậu bonsai bán làm cảnh dịp lễ Tết, sau đó nấm có thể được tiếp tục để chế biến món hoặc hoặc ngâm uống tùy vào sở thích của mỗi người.
Hiện trại đang có 10 nhà trồng nấm, mỗi tháng nhập về 10.000 bịch phôi giống với nhiều loại và cũng nhiều màu sắc khác nhau. Trung bình mỗi tháng trại cung cấp ra thị trường từ 1 – 1,5 tấn nấm các loại, mang lại giá trị kinh tế cao.
Với những kết quả có được, Ánh Xuân còn tạo được nhóm gồm 200 thành viên là các chị em phụ nữ nông thôn trong và ngoài tỉnh có sở thích trồng nấm. Đây là nhóm chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, buôn bán và hỗ trợ đầu vào, đầu ra trong sản xuất.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, chị Mai Thị Ánh Xuân cho biết, để khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công thì bản thân chị em phải có niềm đam mê, xác định được mục tiêu cụ thể để từ đó có chiến lược, phát triển phù hợp. “Trên khắp đất nước có rất nhiều nơi trồng nấm, phải làm sao có cách làm, định hướng cụ thể cho mình mới có thể thành công được. Về việc đầu tư, tôi nghĩ ban đầu mình chỉ nên đầu tư nhỏ, không nên mở trang trại quy mô thật lớn, nếu không có đầu ra thì sẽ rất khó. Muốn làm gì thì cũng phải tìm hiểu, chuẩn bị thật kỹ, phát triển dần dần”, chị Ánh Xuân sẻ.
Chị Ánh Xuân cũng mong muốn trong thời gian tới xây dựng được dây chuyền sản xuất, chế biến nấm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để có thể nâng tầm giá trị sản phẩm nấm và góp phần giải quyết đầu ra cho người trồng nấm, phát triển kinh tế của địa phương.
Thông tin liên hệ:
Trại nấm Xuân Mai
Địa chỉ: ấp Phước Xuân, xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre
Điện thoại: 039 259 9775.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/me-an-nam-co-gai-ben-tre-lam-luon-nha-trong-nam-de-khoi-nghiep-20240621072606289.htm