“Điều này xảy ra là do vị trí của sao Thổ và mặt trăng trên quỹ đạo tương ứng của chúng quanh trái đất và mặt trời”, theo Channel NewsAsia dẫn thông tin từ Đài quan sát Trung tâm khoa học (SCOB-Singapore) hôm 11.7.
SCOB lưu ý sự hợp nhất này có thể được quan sát từ 23 giờ 30 đêm 24.7 (giờ Singapore). Mặt trăng và sao Thổ sẽ ở vị trí gần nhau nhất vào lúc 4 giờ 31 sáng 25.7 (giờ Singapore).
SCOB cho biết thêm: “Khi đêm xuống, chúng sẽ di chuyển lại gần nhau hơn và dường như chạm vào nhau nếu quan sát bằng mắt thường”. Trong sự kiện này, vành đai của sao Thổ sẽ bị che khuất một phần bởi bề mặt của mặt trăng, SCOB cho biết.
Theo NASA, hiện tượng này được gọi là sự giao hội, thường xảy ra khi mặt trăng, một hành tinh hoặc một ngôi sao xuất hiện gần nhau trên bầu trời đêm của trái đất.
Trong những lần giao hội như vậy, các vật thể trên bầu trời có thể xuất hiện gần nhau theo góc nhìn của người quan sát, tuy nhiên chúng chưa chắc gần nhau về mặt vật lý, theo SCOB.
Sự giao hội giữa mặt trăng và các hành tinh xảy ra thường xuyên và chúng xảy ra khoảng 27 ngày/lần. Điều này xuất phát từ việc mặt trăng hoàn thành quỹ đạo quanh trái đất mỗi tháng một lần và đi qua mỗi hành tinh trên bầu trời trong chu kỳ này, SCOB giải thích.
Người dân Singapore có thể chứng kiến sự hợp nhất này bằng mắt thường nếu bầu trời quang đãng và người quan sát ở vị trí có tầm nhìn thông thoáng như công viên East Coast Singapore.
Theo SCOB, nếu bỏ lỡ sự kiện trên, người dân vẫn có thể ngắm mưa sao băng Perseids đạt cực đại tại Singapore vào khoảng ngày 12 – 13.8. Đây là một trong những trận mưa sao băng thường niên sáng nhất và bay đến cùng hướng với chòm sao Perseus.
Nguồn: https://thanhnien.vn/mat-trang-va-sao-tho-sap-giao-hoi-185240712113634432.htm