Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một trong 3 cuộc vận động lớn do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam chủ trì phát động. Thực hiện Cuộc vận động, thời gian qua, các thành viên trong Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của tỉnh; các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện Cuộc vận động trong tình hình mới.
Sản phẩm bánh đa sợi của cơ sở sản xuất Dũng Trang, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. |
Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, hàng năm, MTTQ tỉnh triển khai lồng ghép các nội dung Cuộc vận động với đề án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng thành tiêu chí quan trọng để đánh giá thi đua của MTTQ các huyện, thành phố; chỉ đạo MTTQ các huyện, thành phố chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng Cuộc vận động, nâng cao kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiên quyết đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội đầu xuân. Trên cơ sở đó, MTTQ 10 huyện, thành phố đã triển khai tuyên truyền đến các xã, phường, thị trấn, các tổ chức thành viên cùng cấp. Các cấp Hội Phụ nữ và trên 2.000 chi hội tổ chức triển khai tuyên truyền tới hội viên phụ nữ thực hiện Cuộc vận động lồng ghép với các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, gắn với thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình 5 có, 3 sạch” tại những xã xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu; chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”… Trong năm 2022, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức 20 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật lồng ghép nội dung tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới cho trên 2.400 cán bộ Công đoàn cơ sở và công nhân, viên chức, lao động. Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố, Công đoàn ngành tổ chức gần 100 hội nghị lồng ghép tuyên truyền cuộc vận động cho hơn 8.500 lượt cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ nông dân, trang thông tin điện tử và fanpage “Nông dân Nam Định” đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, thay đổi nhận thức, hành vi trong tiêu dùng, xóa bỏ tâm lý dùng hàng ngoại. Đồng thời phối hợp tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để đổi mới quy trình sản xuất, quản lý; không sử dụng chất cấm trong sản xuất; tập huấn quy trình, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP… để tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm bảo đảm chất lượng, hạ giá thành, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp tổ chức trên 2.300 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 285 nghìn lượt hội viên, nông dân; thực hiện tốt liên kết “6 nhà” giúp các sản phẩm tiếp cận và đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, đưa các sản phẩm đặc trưng của Nam Định tới tay người tiêu dùng, góp phần quan trọng thúc đẩy đạt mục tiêu “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nam Định giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”. Đến nay, toàn tỉnh đã có 330 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Các cấp Hội còn kết nối, hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên nông dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản; giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm Việt Nam, sản phẩm chủ lực của các địa phương trong tỉnh tại các siêu thị, hội chợ; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các đợt tập huấn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cách thức đưa nông sản, hàng hóa lên sàn giao dịch điện tử và chuyển đổi số cho trên 4.000 hội viên, nông dân; phối hợp với bưu điện để hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025. Đến nay, Hội Nông dân các huyện, thành phố đã phối hợp với Bưu điện huyện hỗ trợ nông dân đưa 308 nông sản, hàng hóa lên sàn giao dịch điện tử POSTMART.
Qua triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Người tiêu dùng nhận thức ngày một đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước và những lợi ích mang lại từ thực hiện cuộc vận động; từng bước thay đổi hành vi, ưu tiên mua sắm tiêu dùng hàng hoá thương hiệu Việt Nam; bước đầu hình thành nét đẹp văn hoá tiêu dùng của người dân Nam Định với hàng hoá do Việt Nam sản xuất. Đối với doanh nghiệp, nhà sản xuất, cuộc vận động đã giúp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận thức đầy đủ hơn về quyền lợi, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong điều kiện hội nhập quốc tế và sự cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã hướng đến sản xuất theo nhu cầu thị trường, có sự liên kết chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình; phát huy tiềm năng thế mạnh chiếm lĩnh thị trường nội địa và từng bước vươn ra thị trường quốc tế; chủ động hơn nữa trong kinh doanh; chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, đổi mới công nghệ để sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành hạ; có chính sách khuyến mại, hậu mãi hợp lý, đưa sản phẩm của mình đến tận tay người tiêu dùng. Được sự quan tâm, hỗ trợ của các sở, ngành liên quan, đến nay, toàn tỉnh có hơn 150 doanh nghiệp, cơ sở xây dựng phần mềm định danh điện tử; 33 cơ sở thiết lập nhật ký điện tử để theo dõi sản xuất; 30 doanh nghiệp, công ty đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; 3 nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ (cá bống bớp Nghĩa Hưng, nước mắm Giao Châu, Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định); 1 cơ sở được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Gạo tám xoan Hải Hậu); trên 100 cơ sở đã ứng dụng tem QR code (truy xuất nguồn gốc sản phẩm) đối với 400 sản phẩm trong việc quản lý và quảng bá sản phẩm.
Thời gian tới, MTTQ các cấp tiếp tục xác định việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của công tác Mặt trận, cùng với các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức thành viên tham mưu cho Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân ưu tiên mua sắm, dùng hàng Việt./.
Bài và ảnh: Lam Hồng