Phó giáo sư – tiến sĩ – bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải đáp: Thành phần chủ yếu của mật ong là đường fructose. Ngoài ra mật ong cũng chứa vitamin, chất khoáng như kali, canxi, kẽm, vitamin C và các chất chống oxy hóa, các chất có hoạt tính kháng sinh, kháng viêm.
Trong khi đó, đường ăn chỉ chứa đường saccharose mà không chứa vitamin, chất khoáng nào.
Nhìn chung việc dùng mật ong thay cho đường ở người bệnh tiểu đường không mang lại lợi ích nào. Cả mật ong và đường đều ảnh hưởng lên mức đường huyết.
Mật ong thường ngọt hơn đường, do đó có thể giúp bạn sử dụng ít đường hơn khi chế biến thức ăn, thức uống. Tuy nhiên, một muỗng mật ong có thể có tổng lượng carbohydrate và tổng lượng calorie cao hơn một muỗng đường.
Người bệnh tiểu đường vẫn có thể dùng mật ong, tuy nhiên cần sử dụng có chừng mực và tính vào lượng carbohydrate trong kế hoạch ăn uống tiểu đường của mình. Đồng thời, người bệnh tiểu đường nên trao đổi với bác sĩ trước khi thêm mật ong vào chế độ ăn uống của mình.
Bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho chuyên mục Bác sĩ 24/7 bằng hình thức nhập bình luận bên dưới bài hoặc gửi qua email: [email protected].
Câu hỏi sẽ được chuyển đến các bác sĩ, chuyên gia… để trả lời cho bạn đọc.