Điều gì xảy ra khi mất kênh
Khi tài khoản YouTube bị truy cập trái phép, tin tặc có thể sử dụng chính tài khoản này để tấn công những người dùng khác. Trong trường hợp kênh có nhiều người theo dõi, kẻ xấu có thể nhắm mục tiêu vào những subcriber bằng các liên kết và URL đáng ngờ để lừa họ tải xuống phần mềm độc hại.
Mỗi kênh YouTube được liên kết với ít nhất một tài khoản Google. Do đó, việc kênh bị xâm nhập đồng nghĩa tài khoản Google liên kết cũng đã bị mất quyền điều khiển. Việc mất kênh có thể do nguyên nhân người dùng hoặc “sự cố kỹ thuật” – tức bên thứ ba hoặc hacker làm thủ thuật chiếm quyền YouTuber.
Theo chính sách của gã khổng lồ tìm kiếm, khi phát hiện kênh YouTube bị xâm nhập, trước tiên người dùng cần khôi phục tài khoản Google có liên kết với kênh YouTube đó. Nếu người dùng vẫn có thể đăng nhập tài khoản, họ chỉ cần thực hiện các bước thay đổi mật khẩu tài khoản Google. Khi đó, kẻ xấu đang sử dụng tài khoản YouTube sẽ tự động bị đăng xuất.
Tuy nhiên, thực tế các tin tặc sẽ vô hiệu hoá chủ kênh ngay sau khi truy cập được tài khoản. Do đó, người dùng cần phải truy cập trang khôi phục Google Account, điền email liên kết với tài khoản và cung cấp email “backup” để nhận mã xác thực, từ đó có thể cài đặt lại mật khẩu.
Nếu chưa thiết lập email dự phòng hoặc mất quyền truy cập vào email “backup”, Google cung cấp phương pháp xác thực khác, chẳng hạn như gửi code qua smartphone. Khi thực hiện theo các bước, người dùng có thể đặt lại mật khẩu cho toàn bộ tài khoản Google mà YouTube là một phần trong đó.
Và cuối cùng, khi vẫn không thể phục hồi tài khoản hoặc xác định kênh YouTube đã bị tin tặc chiếm quyền điều khiển, người dùng nên báo cáo sự cố tới Google để được hỗ trợ kỹ thuật. Không có một mốc thời gian cụ thể nào về việc Google mất bao lâu để lấy lại tài khoản cho bạn, song với những kênh lớn, có hàng triệu người theo dõi như Độ Mixi thì thời gian có thể nhanh hơn những tài khoản khác.
Thu nhập của YouTuber
Các nhà sáng tạo nội dung trên kênh YouTube khi đủ điều kiện bật chức năng kiếm tiền thì YouTube sẽ chèn các đoạn quảng cáo vào giữa tiến trình phát video. Chủ kênh sẽ được YouTube chia lại tiền quảng cáo theo tỷ lệ 55-45, trong đó nền tảng nhận phần hơn.
YouTube tính tiền dựa trên số lượng lượt xem của mỗi video đăng tải, tuỳ thuộc vào mỗi khu vực và quốc gia. Chẳng hạn, tại Việt Nam, với mỗi 1.000 views, nhà sáng tạo nhận từ 0,3 – 0,5 USD. Nếu video đạt 1 triệu view, chủ kênh nhận thù lao trung bình khoảng 7 triệu đồng.
Bên cạnh kiếm tiền theo view, người dùng cũng sẽ được trả hoa hồng nếu người xem click vào quảng cáo chèn trong video. Song, thực tế chỉ có một tỷ lệ nhỏ người xem sẽ nhấp vào những quảng cáo này. Hơn nữa, để được tính thanh toán, quảng cáo phải được xem ít nhất trong 30 giây (hoặc một nửa thời lượng với quảng cáo ngắn). Nếu may mắn, chủ kênh sẽ chia sẻ mọi doanh thu quảng cáo với YouTube, nhưng chỉ được thanh toán khi tài khoản AdSense đạt mốc 100 USD.