Mặt bằng”hot” đóng cửa
Những ngày đầu tháng 6, hàng loạt mặt bằng tại những con đường trung tâm của TP.HCM như Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Lê Lợi, Đồng Khởi… vẫn treo bảng cho thuê. Đây hầu hết là những mặt bằng đã đóng cửa từ cuối năm trước đến nay và vẫn chưa tìm được khách thuê. Dễ nhận thấy nhất là mặt tiền đường Lê Lợi (Q.1), kế bên chợ Bến Thành kéo dài đến ngã tư Pasteur vắng bóng người mua kẻ bán. Khu vực trung tâm TP từ cuối tháng 4 đã thông thoáng trở lại khi các lô cốt của tuyến metro chính thức được dỡ bỏ nhưng vẫn không có khách thuê. Tương tự, một số mặt bằng trên con đường vốn được mệnh danh đắt nhất TP là Đồng Khởi cũng rơi vào tình trạng cửa đóng then cài.
Theo khảo sát của người viết, lượng mặt bằng đóng cửa, treo bảng cho thuê xuất hiện nhiều hơn so với tháng 2 – thời điểm sau Tết âm lịch 2023. Ngay ngã tư Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế từng tọa lạc một nhà hàng món ăn Nhật rất được ưa thích thì nay, mặt tiền dán chi chít quảng cáo nhà cho thuê. Nối tiếp đó là một số nhà phố cũng treo bảng cho thuê tạo thành một khu vực vắng vẻ. Hay gần khu vực Nhà thờ Đức Bà, cửa hàng McDonald’s và quán cà phê Saigon La Poste – Café Lounge đã ngừng hoạt động và mặt bằng chưa có khách thuê mới, còn xoay quanh khu vực hồ Con Rùa trên đường Phạm Ngọc Thạch cũng trở nên đìu hiu khi nhiều quán cà phê không thể trụ lại.
Phố thời trang Nguyễn Trãi kéo dài từ Q.1 đến Q.5 cũng có nhiều cửa hàng ngừng hoạt động. Khác với cảnh đông vui tấp nập chọn lựa quần áo trước đây, nay nhiều cửa hàng còn lại lèo tèo 1 – 2 khách xem hàng hoặc chỉ có mình người bán. Chuyển sang đường Nguyễn Đình Chiểu, số lượng mặt bằng đóng cửa xen kẽ với các điểm bán… Không chỉ cửa hàng thời trang mà nhà hàng, quán cà phê, nhiều địa điểm là công ty, văn phòng cũng đi theo xu hướng này. Nhiều nơi có thể chỉ vừa ngừng hoạt động nên các biển hiệu cũ vẫn chưa được tháo gỡ.
Theo lý giải chung, sức mua ở hầu hết ngành hàng đều đang ở mức thấp. Trong khi đó chi phí thuê mặt bằng các khu vực trung tâm TP khá đắt đỏ khiến nhiều đơn vị không thể gánh nổi. Một người bán tại cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi chia sẻ giá thuê mặt bằng nhà phố vẫn xoay quanh 100 triệu đồng/tháng. Sau đại dịch Covid-19, giá thuê có giảm nhưng vẫn không nhiều trong khi sức mua ngày càng giảm. Còn những mặt bằng rộng, ngay ngã tư các đường “hot” hơn như Lý Tự Trọng, Nguyễn Huệ… giá thuê lên tới khoảng 500 triệu đồng/tháng. Nếu cộng thêm chi phí nhân viên, quản lý… trong khi khách hàng lại thưa thớt thì khó để kinh doanh có lãi.
Tình hình chưa “ấm hơn”
Bà Ngọc Hoa, chủ một cơ sở sản xuất quần áo nữ tại Q.Tân Phú, than “ế như chưa bao giờ ế”. Bà cho biết cơ sở chuyên may hàng thời trang nữ bỏ sỉ cho một số sạp ở chợ Tân Bình và An Đông. Trước đây, trung bình mỗi tháng cơ sở bà bán được gần ngàn sản phẩm. Thế nhưng từ sau Tết âm lịch đến nay, hàng bán ra nhỏ giọt. Thậm chí trong cả tháng 5 vừa qua bà bán chưa tới trăm sản phẩm. “Trước đây trung bình mỗi sạp sẽ gọi lấy hàng một lần vài trăm cái. Nay thì có khi chờ cả tháng không nghe ai gọi. Mấy chục năm làm nghề này nay mới thấy ế quá. Chưa biết khi nào tình hình mới đỡ hơn”, bà Ngọc Hoa lo lắng.
Phố Tây Bùi Viện ‘dính’ làn sóng trả mặt bằng: Chủ tiệm thức làm 20 tiếng/ngày cầm cự
Ngay cả các đơn vị kinh doanh hàng điện máy, điện thoại di động cũng lao đao. “Ông lớn” Thế Giới Di Động công bố doanh thu 4 tháng đầu năm nay giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh có doanh thu giảm 30%. Chuỗi cửa hàng thực phẩm Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu tăng 4% so với cùng kỳ năm trước nhưng đơn vị này đã đóng bớt 20 cửa hàng. Trước đó, báo cáo quý 1/2023 của Thế Giới Di Động công bố doanh thu giảm gần 26% nhưng lợi nhuận lao dốc đến 98,5% so với quý 1/2022. Ngay các cửa hàng bán thực phẩm cũng chia sẻ sức mua vẫn giảm sút và chưa có tín hiệu sẽ hồi phục…
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Trường ĐH Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết theo quan sát của ông, không chỉ ở TP.HCM mà tại thủ đô Hà Nội, số lượng mặt bằng đóng cửa hay các cửa hàng đang kinh doanh nghỉ sớm vào ngày cuối tuần cũng diễn ra khá nhiều. Chi tiêu, mua sắm hiện nay vẫn thưa thớt và chưa có gì khác biệt so với đầu năm. Trong khi hộ gia đình thắt chặt chi tiêu thì doanh nghiệp cũng phòng thủ. Qua khảo sát, trao đổi với nhiều doanh nghiệp cho thấy lượng hàng tồn kho ở các lĩnh vực đều ở mức cao khi cầu xuất khẩu lẫn trong nước lao dốc. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của VN và nhiều quốc gia tiếp tục vẫn ở mức thấp dưới 50 điểm cho thấy sản xuất vẫn chưa hồi phục.
“Tiêu dùng dịch vụ ở 2 đầu tàu của cả nước là Hà Nội và TP.HCM vẫn chưa thực sự có chuyển biến tích cực”, TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh. Vì vậy, ông đề xuất Chính phủ cần phải đẩy mạnh thực hiện nhiều chính sách song song quyết liệt hơn gồm cả tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bởi “một bàn tay là không ăn thua mà cần cả hai bàn tay”. Đặc biệt hiện nay lạm phát không còn là mối đe dọa với VN nên có thể mạnh tay thúc đẩy nhiều hoạt động để tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp lẫn người dân.
Hơn nữa, nhiều chính sách đã đưa ra nhưng không thực sự đạt hiệu quả do khâu thực hiện quá yếu. Ví dụ chính sách chi tiêu công vẫn còn nghẽn đâu đó nên để gần 1 triệu tỉ đồng nằm yên trong kho bạc mà không đi vào được nền kinh tế. Hay gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp; chính sách cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và người mua nhà cũng chưa nhúc nhích. Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% vẫn đang chờ… Cần lưu ý triển khai nhiều chính sách để giảm ngay các loại chi phí cho doanh nghiệp. Từ đó mới giúp nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước, giúp doanh nghiệp có lợi nhuận đồng nghĩa với người lao động có thu nhập thì mới có thể kích cầu tiêu dùng trong nước.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất VN do S&P Global công bố trong tháng 5 giảm xuống 45,3 so với 46,7 trong tháng 4. Đây là lần suy giảm tháng thứ ba liên tiếp và là mức giảm cao nhất kể từ tháng 9.2021. Ngành sản xuất của VN tiếp tục suy giảm trong tháng 5 khi tình trạng nhu cầu tiếp tục yếu kém. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh hơn khi các công ty giảm việc làm và hoạt động mua hàng tương ứng. Trong khi đó, niềm tin kinh doanh tiếp tục giảm. Với số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm, các công ty cũng giảm sản lượng vào thời điểm giữa quý 2 của năm. Sản lượng đã giảm ở cả ba lĩnh vực sản xuất, với mức giảm mạnh nhất là ở lĩnh vực sản xuất hàng hóa trung gian. Một số công ty giảm số lượng nhân viên do khối lượng công việc giảm. Điều này, cộng với một số trường hợp nghỉ việc tự nguyện, đã khiến việc làm tiếp tục giảm trong tháng 5, mặc dù mức độ giảm nhẹ hơn so với kỳ khảo sát trước. Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm khi các công ty điều chỉnh hoạt động sản xuất phù hợp với số lượng đơn đặt hàng mới giảm. Đây là lần giảm đầu tiên trong ba tháng…