Thời gian gần đây, người đi đường ngang qua ngã 6 Phù Đổng thấy mặt bằng nổi tiếng ở góc Lý Tự Trọng, Phạm Hồng Thái đã được “phủ xanh” bởi thương hiệu mới là Danny Green chuyên về thực phẩm hữu cơ.
Điều này gây bất ngờ cho nhiều người khi mặt bằng này trước giờ thường được chọn là cửa hàng biểu tượng cho các chuỗi ngành hàng dịch vụ ăn uống (F&B) như: Phúc Long, Soya Garden, Phindeli và gần đây nhất là chuỗi bán lẻ vali Mia.
Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, tầng trệt của mặt bằng trên hiện được kinh doanh các loại nông sản như: rau, bí hạt đậu, dưa lưới, gạo và một số thực phẩm chế biến như nước dưa lưới đóng lon, snack, bánh trung thu và một quầy phục vụ thức uống.
Tầng 1 của mặt bằng là nơi khách thưởng thức thức uống với view “triệu đô”, ngắm vòng xoay Ngã 6 Phù Đổng với hàng loạt thương hiệu lớn như: Starbucks, Katinat, Con Cưng, cà phê Amazon, Satra Foods,…
Giá thức uống tại đây từ 45.000 – 85.000 đồng/món nhưng khách hiện vẫn chưa đông.
Theo nhân viên đội ngũ chuyên săn mặt bằng cho các chuỗi F&B thì mặt bằng trên có diện tích khoảng 140 m2 (2 tầng) có hình mũi tàu, chỉ có mặt tiền phía đường Lý Tự Trọng có vỉa hè khá rộng có thể để xe được nhưng giá thuê lên đến 700 – 750 triệu đồng/tháng.
Do đó, việc một thương hiệu về nông sản thuê để kinh doanh khiến nhiều người nghi ngờ bởi nông sản vốn có biên lợi nhuận thấp.
View “triệu đô” tại tầng 1 nhìn xuống ngã 6 Phù Đổng
Theo chuyên gia về F&B, ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty FnB Director – Horeca Business School, nói rằng việc thuê mặt bằng trên với giá 700-750 triệu đồng/tháng là một quyết định không hề dễ dàng.
Trong điều kiện thương hiệu có chiến lược mở rộng kinh doanh dài hạn, xác định rõ ràng mục tiêu tăng trưởng và đủ tiềm lực tài chính để duy trì chiến dịch marketing mạnh mẽ thì việc thuê mặt bằng đắc địa trên có thể mang lại nhiều lợi ích.
Tại đây, lưu lượng người qua mỗi tháng lên đến cả triệu lượt sẽ giúp nhận diện thương hiệu tốt tương đương với chi phí quảng cáo từ 5-7 tỉ đồng/năm.
Về việc một số thương hiệu lớn đã phải rút lui khỏi vị trí trên, ông Thanh cho rằng chưa hẳn là thất bại mà có thể nằm trong chiến lược của chuỗi khi đã đạt được mục tiêu.
Thành công với mặt bằng đắc địa
Theo ông Thanh, Starbucks là một điển hình thành công với hàng loạt cửa hàng tại các vị trí đắc địa ở quận 1, TP HCM.
“Với chiến lược mở các cửa hàng tại các vị trí trung tâm, giúp thương hiệu không chỉ gia tăng doanh số mà còn tăng cường nhận diện thương hiệu mạnh mẽ trong cộng đồng. Điều này minh chứng rằng việc chọn vị trí đắc địa không chỉ tạo ra doanh thu mà còn gia tăng giá trị thương hiệu trong dài hạn” – ông Thanh nói.
Nguồn: https://nld.com.vn/mat-bang-sieu-hot-tai-nga-6-phu-dong-lai-doi-khach-thue-ban-san-pham-gay-bat-ngo-196240910090041503.htm