Ngày 18/4, chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023, CEO CTCP Masan High-Tech Materials (MSR) Craig Bradshaw cho biết, MSR không hướng đến sản xuất xe điện. Năng lực cốt lõi của doanh nghiệp là cung cấp giải pháp về pin cho xe điện thông qua công nghệ nyobolt.
“Vì vậy trong dài hạn, rõ ràng sẽ có tiềm năng hợp tác giữa chúng tôi và VinFast. Chúng tôi cũng đã cung cấp vật liệu cho các nhà sản xuất xe điện khác và tương lai đương nhiên cũng sẽ có cơ hội cung cấp dịch vụ pin xe điện cho VinFast”, ông Craig Bradshaw nhìn nhận.
Trong năm 2022, Masan High-Tech Materials đã hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Mặt trời & Hydrogen Baden-Wurttemberg (ZSW) Đức. Công ty ký kết thỏa thuận đầu tư 45 triệu bảng Anh vào Nyobolt Limited, một công ty chuyên cung cấp giải pháp pin Li-ion sạc nhanh (trụ sở tại Anh quốc) để thúc đẩy ứng dụng Vonfram công nghệ cao trong sản xuất pin sạc nhanh và an toàn.
CTCP Masan High-Tech Materials (MSR) là một doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Masan (MSN) của gia đình ông Nguyễn Đăng Quang-bà Nguyễn Hoàng Yến.
Masan Hightech Materials là doanh nghiệp sở hữu một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới Núi Pháo. MSR đã lên sàn chứng khoán, tới giữa tháng 4/2023, vốn hóa của doanh nghiệp khoảng 500 triệu USD.
Trong khi đó, Vingroup do ông Phạm Nhật Vượng làm Chủ tịch trong vài năm gần đây dồn lực vào mảng sản xuất ô tô, với việc thành lập hãng xe VinFast, nuôi tham vọng chinh phục thị trường thế giới và thúc đẩy nền sản xuất công nghiệp tại Việt Nam.
Năm 2022 là năm bản lề quan trọng với VinFast, thương hiệu xe 5 năm tuổi, khi chuyển hướng chiến lược phát triển theo định hướng công ty xe điện 100%. Cuối năm 2022, lô hàng đầu tiên 999 chiếc xe VinFast đã cập bến thị trường Mỹ. Trong nước, VinFast đã bàn giao dòng xe điện VF e34 và VF8 cho những khách hàng đầu tiên.
Một số thông tin về doanh nghiệp niêm yết
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* BMI: Đại hội đồng cổ đông Tổng CTCP Bảo Minh (HOSE: BMI) cho biết dù năm 2023 ngành bảo hiểm khó khăn nhưng vẫn bám sát chiến lược 5 năm và thông qua mục tiêu tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng vào năm 2025. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2023 tăng tối thiểu 9%, đạt 375 tỷ đồng.
* BVB: Ngân hàng TMCP Bản Việt – Viet Capital Bank (UPCoM: BVB) xin ý kiến ĐHĐCĐ thường niên 2023 (vào ngày 26/4) chuyển giao dịch cổ phiếu BVB từ sàn UPCoM sang niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE).
* PVC: Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí – CTCP (PVChem, HNX: PVC) dự kiến trình ĐHCĐ vào ngày 26/4 thông qua phương án phát hành 50 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ gấp đôi lên 1.000 tỷ đồng.
* SCR: Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín – TTC Land (HOSE: SCR) thận trọng đặt kế hoạch kinh doanh 2023, mục tiêu doanh thu giảm 40%, xuống còn 540 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm 75%, xuống 20 tỷ đồng.
* HDB: Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM – HDBank (HOSE: HDB) sẽ trình cổ đông thông qua việc mua lại một công ty chứng khoán tại ĐHĐCĐ năm 2023 vào ngày 26/4.
* NVL: Novaland (NVL) công bố BCTC kiểm toán năm 2023 với doanh thu hợp nhất giảm 25% xuống còn 11.151 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm gần 37% xuống 2.182 tỷ đồng.
* PXM: CTCP Xây lắp Dầu khí Miền Trung (UPCoM: PXM) tiếp tục báo lỗ trong quý I/2023 và nâng lỗ lũy kế lên mức 605 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm hơn 450 tỷ đồng.
* HPX: Ông Đỗ Quý Hải – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát (HOSE: HPX) bị phạt hơn 1,2 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch 4 tháng vì bán chui gần 6,3 triệu cổ phiếu HPX hồi cuối tháng 11/2022.
* VPB: ĐHCĐ Ngân hàng VPBank thông qua mục tiêu lợi nhuận hơn 24.000 tỷ đồng trong năm 2023, dự kiến chia cổ tức tiền mặt 5 năm liên tiếp kể từ năm nay.
Giao dịch trên thị trường
* VN-Index: Kết thúc phiên giao dịch 18/4, nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục tăng điểm nhẹ. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng và một số cổ phiếu trụ cột giảm, qua đó khiến chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ.
Chỉ số VN-Index chốt phiên 18/4 tăng 1,21 điểm lên 1.055,02 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 1,62 điểm lên 208,25 điểm. Upcom-Index tăng 0,35 điểm lên 78,73 điểm.
* Thanh khoản: Thanh khoản trên 3 sàn vẫn quanh mức thấp so với trung bình vài năm qua. Thanh khoản ngày 18/4 đạt 10.900 tỷ đồng, trong đó có 9.579 tỷ đồng trên sàn HOSE.
* Khối ngoại: Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng 145 tỷ đồng trên toàn thị trường.
* Tự doanh: Trong phiên 18/4, tự doanh CTCK mua ròng gần 80 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trên HOSE, khối này mua ròng khoảng 107 tỷ đồng, chủ yếu mua ròng trên kênh khớp lệnh với giá trị 93 tỷ đồng.
Sự kiện trong nước và quốc tế tác động tới TTCK
* Vàng được dự báo tiếp tục xu hướng tăng và sẽ lên mức kỷ lục cao mới trong một vài tuần tới cho dù vừa rớt xuống dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể chỉ tăng lãi suất thêm lần cuối trong cuộc họp đầu tháng 5.
* Vốn đầu tư công trung hạn chưa phân bổ còn rất lớn, lên tới gần 430.000 tỷ đồng. Con số vượt thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, do vậy, có thể cho phép Chính phủ tổng hợp báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 5.
* Giới đầu tư kỳ vọng quy định mới về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ sẽ được ban hành trước ngày 25/4.
* Chứng khoán Vietcombank (VCBS ) đánh giá lực cầu có thể gia tăng trở lại và thị trường chứng khoán sẽ bước vào nhịp tăng điểm mới. VN-Index được dự báo có thể bật lên khu vực quanh 1.060 điểm trong các phiên tới.