Tại Hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực khai thác khoáng sản hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn” do Khối Thi đua số I và số II, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa tổ chức mới đây, đại diện Công ty CP Masan High-Tech Materials (Masan High-Tech Materials) đã đề xuất định hướng, chiến lược tích hợp chuyển đổi số hướng tới kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Một góc nhà máy chế biến khoáng sản Núi Pháo (Công ty CP Masan High-Tech Materials). |
Trước tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0 và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và không ít thách thức. Vì vậy, chuyển đổi số vừa là yêu cầu, cũng vừa là xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệp đứng vững và phát triển.
Từ thực tế đó, Masan High-Tech Materials xác định bên cạnh các giải pháp cốt lõi về công nghệ, kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp cần chú trọng vào việc tích hợp chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực (quản trị, khai thác, chế biến, bảo trì, bán hàng, môi trường…) để đồng bộ hóa quản trị hoạt động giữa các công ty thành viên hiện đang hoạt động tại Đức, Canada, Trung Quốc và Việt Nam. Đây là một trong những trụ cột phát triển và ưu tiên quan trọng của Masan High-Tech Materials nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, Công ty xác định lộ trình và bước đi hiệu quả trong tích hợp chuyển đổi số trong sản xuất và kinh doanh, bao gồm: sắp xếp và tối ưu hóa nguồn lực; đầu tư nâng cao năng lực quản lý, tối ưu hóa hoạt động sản xuất. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện năng lực quản trị chuyển đổi số và theo đuổi các giải pháp chuyển đổi số thông minh.
Đại diện Masan High-Tech Materials trình bày ý kiến tại hội thảo. |
Tại Hội thảo, đại diện Masan High-Tech Materials đã có kiến nghị với Chính phủ, Bộ TN&MT tạo hành lang pháp lý, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản thực hiện chuyển đổi số, hướng tới phát triển bền vững.
Sở hữu mảng kinh doanh Vonfram toàn cầu của H.C. Starck (Đức), Masan High-Tech Materials mong muốn tiếp tục thực hiện cam kết với Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy mạnh công nghiệp chế biến sâu và có một bước tiến xa hơn – đó là tái chế phế liệu để sản xuất Vonfram công nghệ cao. Hiện nay, Công ty đang có kế hoạch triển khai Dự án xây dựng Nhà máy tái chế Vonfram tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Việc đưa công nghệ tái chế của Đức về Việt Nam là bước tiến vượt bậc của một doanh nghiệp khoáng sản trong nước, với tham vọng không chỉ dừng lại ở chế biến sâu, chế tạo vật liệu công nghệ cao mà còn hoàn thiện chu trình sản xuất bền vững khép kín “thu hồi – tái chế – tái sử dụng” thông qua công nghệ và đổi mới sáng tạo, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu sơ cấp từ hoạt động khai thác khoáng sản. Cùng với đó có thể đáp ứng tốt hơn nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp trọng yếu toàn cầu.
Để thực hiện được dự án chiến lược này, Công ty phải được phép nhập khẩu phế liệu Vonfram, phục vụ nguyên liệu cho Nhà máy tái chế Vonfram tại tỉnh Thái Nguyên khi Dự án được cấp phép và đi vào hoạt động. Trước đây, Vonfram đã có trong danh mục nhập khẩu, nhưng tại thời điểm đó do chưa có công ty nào ở Việt Nam có đủ năng lực, chiến lược bài bản để thực hiện hoạt động tái chế, nên Chính phủ đã đưa Vonfram ra khỏi danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Do vậy, đại diện Masan High-Tech Materials bày tỏ mong muốn đề nghị Chính phủ, Bộ TN&MT phê duyệt bổ sung Vonfram vào danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Việc này sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng và cần thiết để Công ty triển khai thành công Dự án Nhà máy tái chế Vonfram tại tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới. Đồng thời cụ thể hóa mô hình áp dụng chuyển đổi số trong khai thác chế biến khoáng sản, tái chế phế liệu, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và góp phần vào tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.