Q.Ba Đình (Hà Nội) yêu cầu rà soát việc dạy thêm, dạy các chương trình liên kết, bổ trợ, làm quen tiếng Anh và các ngoại ngữ khác trong nhà trường…, không xét thi đua trường để xảy ra vi phạm.
Phòng GD-ĐT Q.Ba Đình (Hà Nội) vừa có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm, tổ chức dạy liên kết trái quy định ở các trường học trên địa bàn.
Phòng GD-ĐT Q.Ba Đình cho hay, hoạt động dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn diễn ra gần đây, gây bức xúc đối với phụ huynh. Đề nghị hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS tại quận tiếp tục thực hiện, tuyên truyền văn bản chỉ đạo về công tác dạy thêm, học thêm đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Trường cũng cần tổ chức cho cán bộ, giáo viên ký cam kết không tổ chức dạy thêm trái quy định, tham gia dạy thêm được sự đồng ý của hiệu trưởng.
Hiệu trưởng chịu trách nhiệm về liên kết, dạy thêm học thêm
Phòng GD-ĐT cũng yêu cầu tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường; xử lý, kiểm điểm các trường hợp vi phạm, đặc biệt hành vi, thái độ của cán bộ, giáo viên buộc học sinh phải học thêm; thực hiện dạy thêm tại các cơ sở chưa được cấp phép hoặc không báo cáo và được hiệu trưởng đồng ý.
Đơn vị này cũng yêu cầu tổng rà soát các chương trình dạy liên kết, các câu lạc bộ ngoài giờ, giáo dục kỹ năng sống, dạy học bổ trợ, làm quen tiếng Anh và các ngoại ngữ khác trong nhà trường, đảm bảo đúng tinh thần tự nguyện, có sự thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh; chỉ phối hợp với các đơn vị được cấp phép, được phê duyệt chương trình giảng dạy và đảm bảo chất lượng.
Phòng GD-ĐT Q.Ba Đình yêu cầu hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm về các vi phạm. Nhà trường có cán bộ, giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm không xét danh hiệu thi đua trong năm học.
Trước đó, Báo Thanh Niên có loạt bài phản ánh tình trạng dạy liên kết, dạy thêm dưới hình thức tự nguyện, câu lạc bộ… ngày càng biến tướng, tinh vi.
Theo quy định hiện hành, Bộ GD-ĐT cấm dạy thêm, học thêm với học sinh tiểu học. Điều này được lý giải học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cũng xây dựng bắt buộc học sinh phải được học cả ngày ở trường.
Tuy nhiên, ở Hà Nội hiện nay, tiểu học lại là cấp học mà học sinh phải học “nặng” nhất với quá nhiều môn học, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa được đưa vào trường học. Nơi thì chèn vào thời khóa biểu, nơi thì để ngoài giờ, nhưng các trường có rất nhiều cách để dạy thêm trong trường một cách công khai.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), khẳng định: “Việc chèn môn học, hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ chính khóa là sai quy định. Với tiểu học, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 quy định dạy học 2 buổi/ngày với số tiết bắt buộc thực hiện theo chương trình là 7 tiết/ngày. Đó là những tiết chính khóa mà các trường dù thiết kế thế nào cũng phải dạy hết tất cả các môn học bắt buộc, học sinh phải được đảm bảo học công bằng như nhau. Đây là nhiệm vụ của các trường”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/manh-tay-xu-ly-vi-pham-day-hoc-lien-ket-tu-nguyen-185241029155738538.htm