Tại cuộc Họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chiều 6/3, ông Lê Quang Tự Do – Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã có những chia sẻ về việc xử phạt nghệ sỹ KOL, phát ngôn lệch chuẩn, sai sự thật trên không gian mạng nhưng chưa đủ sức răn đe.
Theo ông Tự Do, đối với những nghệ sĩ, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) có phát ngôn lệch chuẩn, sai sự thật, hiện nay, theo quy định mức xử phạt đối với hành vi này từ 5 – 10 triệu đồng, các sở TT&TT thường chọn mức xử phạt ở giữa là 7,5 triệu đồng.
“Nhìn chung đối với một bộ phận người dân, mức phạt 7,5 triệu có tác động rất lớn. Tuy nhiên, có một số người, đơn cử như người nổi tiếng, nghệ sĩ, KOL…, thậm chí là những người kinh doanh thu lợi trên mạng xã hội thì mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe”, ông Tự Do đánh giá.
“Nghiên cứu từ quốc tế cho thấy trong một số trường hợp dù tăng đến mức nào cũng không đủ sức răn đe, nhất là với những nghệ sĩ có quảng cáo hàng tỉ đồng hay như trường hợp bà Phương Hằng, mức xử phạt hành chính bằng tiền như hiện nay chưa đủ sức răn đe”, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nhấn mạnh.
Ông Do cho biết để khắc phục tình trạng này, hiện nay Bộ TT&TT đang trình Chính phủ nghị định thay thế nghị định 72, trong đó có các quy định về hoạt động phát ngôn trên không gian mạng.
Dự kiến giữa năm 2024 nghị định này sẽ được Chính phủ ban hành. Khi đó, bộ sẽ tham mưu tăng mức phạt tiền, cũng như thêm các hình phạt bổ sung cao hơn mức xử phạt hành chính, đối với các hành vi sai phạm trên không gian mạng.
Đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng… được cộng đồng quan tâm, chú ý, tạo ra ảnh hưởng, Bộ TT&TT vẫn đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy chế phối hợp hạn chế lên sóng (mạng xã hội sử dụng từ “phong sát”) đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi vi phạm.
“Ngoài xử phạt hành chính, khi bị hạn chế sóng cũng là cách để góp phần răn đe đối với các nghệ sĩ có phát ngôn sai lệch, thiếu chuẩn mực”, ông Do cho biết.
Ông Tự Do khẳng định: Đối với Bộ TT&TT, xử phạt không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
“Tuy nhiên, có một số trường hợp không xác định được danh tính bởi không gian mạng danh tính ảo rất nhiều. Một số trường hợp là người cư trú ở nước ngoài… Vì vậy, việc xác định đối tượng vi phạm để xử lý còn gặp khó khăn”, ông Tự Do lý giải.
“Trong nghị định 72 tới đây, sẽ có quy định xác định người dùng bằng điện thoại trên mạng xã hội. Biện pháp này sẽ giúp xác minh danh tính trên mạng xã hội nhanh và chính xác hơn”, ông nói.
Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, nghiên cứu từ quốc tế, trong một số trường hợp, dù tăng đến mức nào cũng không đủ sức răn đe, nhất là với những nghệ sĩ có quảng cáo hàng tỉ đồng hay như trường hợp bà Phương Hằng, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh: “Quan điểm của Bộ TT&TT xử phạt không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tuy nhiên, có một số trường hợp không xác định được danh tính bởi không gian mạng danh tính ảo rất nhiều. Trong Nghị định 72 tới đây, quy định xác định người dùng bằng điện thoại trên mạng xã hội”.
Liên quan đến ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng trên mạng xã hội, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cho rằng một mình Bộ TT&TT không đủ sức xử lý. Các bộ, ngành quản lý chuyên ngành như Bộ Công thương, Bộ Công an… cần phối hợp với Bộ TT&TT ngăn chặn, xử lý, loại bỏ hàng giả, hàng kém chất lượng trên mạng.
Bộ TT&TT cũng sẽ có nhiều biện pháp tuyên truyền về chống lừa đảo, quảng cáo lừa đảo. Các cơ quan báo chí cần thông tin về những hành vi, thủ đoạn lừa đảo mới để người dân biết và phòng tránh.
Trúc Chi (t/h theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Vietnam+)