Nghiên cứu được công bố hôm 31.1 được cho là sẽ giúp “viết lại lịch sử” loài người ở châu Âu, bởi đến nay dấu tích lâu đời nhất của Homo Sapiens ở châu lục này chỉ khoảng 40.000 năm tuổi, theo tạp chí Nature.
Hang động được khai quật vào những năm 1930. Thời điểm đó, giới khảo cứu đã tìm thấy nhiều mảnh xương và hiện vật bằng đá, song quá trình xác định niên đại đã bị cản trở do Thế chiến II trở nên ác liệt.
Hơn nữa, công nghệ thời đó không thể xác định được tuổi của xương. Đến năm 2016, quá trình khai quật được tiến hành lại và phát hiện thêm nhiều xương và mẫu vật.
Reuters đưa tin xương và hiện vật bằng đá từ hang động còn cho thấy Homo Sapiens săn bắt các loài động vật có vú lớn bao gồm tuần lộc, ngựa, bò rừng và tê giác len.
Điều này dẫn đến kết luận rằng hang động là nơi trú ẩn tạm thời của các nhóm săn bắt hái lượm nhỏ chứ không phải nơi ở cố định.
Nhà khảo cổ học Marcel Weiss tại Đại học Friedrich-Alexander-Universität Erlangen-Nürnberg (Đức), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Địa điểm ở Ranis đã bị [Homo Sapiens] chiếm trong một vài khoảng thời gian lưu trú ngắn hạn chứ không phải là một điểm tập trung lớn”.
Theo chuyên gia này, kết quả nghiên cứu về hang động ở Ranis “thật đáng kinh ngạc”. Ông nói thêm rằng các nhà khoa học nên quay lại các địa điểm khác ở châu Âu để kiểm tra bằng chứng tương tự về sự hiện diện sớm của Homo Sapiens.
Phát hiện mới cũng được kỳ vọng sẽ giúp giải mã vai trò của Homo Sapiens đối với sự tuyệt chủng của người Neanderthal vào khoảng 40.000 năm trước.