Thông tin vừa được đưa ra tại hội thảo khoa học quốc tế “Giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ – văn hóa Đức ở khu vực Đông Nam Á: Truyền thống và Đổi mới”, do Trường Đại học Hà Nội phối hợp với chi hội giáo viên tiếng Đức Việt Nam (VDLV) tổ chức ngày 4-6/10 tại Hà Nội.
Theo đại diện đến từ Đại sứ quán Áo, hiện có hơn 100 triệu người châu Âu ở các quốc gia như Bỉ, Đức, Ý (vùng Nam Tyrol), Liechtenstein, Luxembourg, Áo và Thụy Sĩ sử dụng tiếng Đức.
Ngoài ra, còn nhiều cộng đồng nói tiếng Đức và các phương ngữ tiếng Đức ở nhiều quốc gia khác, không chỉ ở châu Âu. Tại Việt Nam, sự quan tâm và vị thế của tiếng Đức là ngoại ngữ vẫn ở mức rất cao.
Tuy nhiên, sự lan tỏa nhanh chóng của mạng xã hội toàn cầu đang gây áp lực lớn lên sự đa dạng và chất lượng của ngôn ngữ.
“Giới trẻ ngày nay thường sử dụng nhiều các ký hiệu viết tắt và biểu tượng cảm xúc (emoji). Điều này đặt ra thách thức phải tích hợp vào chương trình giảng dạy, để ngôn ngữ vẫn giữ vai trò là cầu nối với cuộc sống, với các trải nghiệm văn hóa và khoa học”, đại diện này cho biết.
Ông Jörg Drenkelfort, đại diện Ủy ban Giáo dục phổ thông Đức ở nước ngoài tại Việt Nam, cũng cho hay trong bối cảnh thế giới ngày càng toàn cầu hóa, việc thành thạo nhiều ngôn ngữ là một lợi thế vô giá.
“Tiếng Đức, với vai trò là một trong những ngôn ngữ quan trọng trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế và văn hóa, mở ra nhiều chân trời mới và vô vàn cơ hội.
Do đó, hội thảo này là cơ hội tuyệt vời để chia sẻ, học hỏi lẫn nhau, cùng phát triển những ý tưởng mới nhằm làm cho việc dạy và học tiếng Đức trở nên hấp dẫn và hiệu quả hơn nữa”, ông Jörg Drenkelfort nói.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong thời đại 4.0, sự ra đời của ChatGPT tạo nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là trong việc giảng dạy ngoại ngữ như tiếng Đức.
Công nghệ và những tiến bộ kỹ thuật số mở ra những lĩnh vực nghiên cứu mới, đồng thời đặt ra những thách thức hoàn toàn mới trong việc điều chỉnh phương pháp giảng dạy để phù hợp với công nghệ mới nhưng không bỏ qua những khía cạnh tích cực của phương pháp giảng dạy truyền thống.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, cho biết tiếng Đức là một trong những ngôn ngữ phổ biến trên thế giới, được sử dụng rộng rãi tại các quốc gia châu Âu, là ngôn ngữ chính của Đức, Áo và Thụy Sĩ.
Trong những năm gần đây, nhu cầu học tiếng Đức ở Việt Nam và khu vực tăng lên đáng kể. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
“Với việc mở cửa kinh tế và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhu cầu về học ngoại ngữ ngày càng tăng cao. Trong đó, tiếng Đức được xem là một trong những ngôn ngữ quan trọng và có tính toàn cầu cao, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.
Từ những nhu cầu đó, đã và đang tạo ra những cơ hội thuận lợi cho việc mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng trong việc giảng dạy và nghiên cứu tiếng Đức, đồng thời đặt ra những yêu cầu mới trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng Đức có trình độ tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động”, TS Minh nói.
Tham dự hội thảo có 142 đại biểu đến từ các viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo ra một diễn đàn học thuật quốc tế – nơi các nhà nghiên cứu, giảng viên và giáo viên tiếng Đức cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm quý báu và những kết quả nghiên cứu mới nhất.
Hội thảo tập trung thảo luận nhưng không giới hạn các vấn đề như: phương pháp giảng dạy ngoại ngữ truyền thống và hiện đại; công nghệ trong giảng dạy tiếng Đức là ngoại ngữ; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ Đức; giảng dạy tiếng Đức định hướng nghề cho lao động nhập cư vào Đức và các nước nói tiếng Đức…
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/mang-xa-hoi-dang-gay-ap-luc-len-ngon-ngu-trong-do-co-tieng-duc-20241004105435195.htm