Cho dù “lọt sàng xuống nia” vì hai bà mẹ có mối quan hệ thân thích, nhưng để một người mẹ phải trao đứa con do mình thai nghén và sinh ra cho người khác, liệu có dễ dàng ?
Dịp lễ Quốc khánh 2.9 vừa qua, tôi ghé thăm một gia đình đặc biệt ở Đồng Nai. Ngôi nhà lộng gió và tràn ngập tiếng cười ở P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa, là nơi sinh sống của gia đình bé Xuka, em bé đầu tiên chào đời nhờ mang thai hộ (MTH) tại Bệnh viện (BV) Hùng Vương (TP.HCM). Trong vòng tay của ba mẹ và cô Út (người MTH), Xuka lém lỉnh, xinh xắn được cưng như báu vật của cả nhà.
Xuka và những buổi chiều vàng
Anh Nguyễn Ngọc Vũ (46 tuổi, ba của bé Xuka) đã chờ đợi từng ngày cô con gái cưng chào đời, chia sẻ: “Xuka quấn ba lắm, đi làm về chỉ cần nghe bạn ấy gọi ba ba rồi ôm ấp, hít hà như xa cách cả tháng là thấy hết mệt”.
Còn chị Phạm Hồng Nhung (41 tuổi, mẹ của Xuka) đã nghỉ việc từ khi em gái anh Vũ MTH để chăm sóc mẹ bầu. Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn (39 tuổi, em ruột anh Vũ) là người MTH. Tuy đã có hai đứa con nhưng đều là con trai, nên chị Nhàn rất cưng cô cháu gái duy nhất của cả nhà.
Từ năm 2015 – 2019, chị Nhung làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF – PV), do có tiền sử bị u nang lạc tuyến, làm giảm khả năng đậu thai hoặc nếu có thai thì thai không phát triển. Dù vậy, hai vợ chồng vẫn ráng trữ được 6 phôi, chuyển phôi để chị Nhung có bầu nhưng đều không giữ được. Khi chỉ còn 2 phôi cuối đạt yêu cầu thì bác sĩ (BS) Lý Thái Lộc, Trưởng khoa Hiếm muộn BV Hùng Vương, khuyên anh chị làm hồ sơ nhờ người MTH. Lúc này, chị Nhàn là em gái anh Vũ biết chuyện và đồng ý đẻ giùm anh.
Chị kể: “Mới đầu mình cũng lưỡng lự vì có hai đứa con lớn rồi, đẻ nữa ngán quá. Nhưng vì thương anh trai và được ông xã mình động viên giúp anh chị hai, biết đâu trời thương anh chị có con, mình cũng mừng vậy”.
Chị Nhung nhớ lại: “Khó khăn ban đầu khi làm MTH là hồ sơ duyệt căng lắm, giấy tờ để đạt yêu cầu rất phức tạp. Dù Nhàn là em gái anh Vũ, nhà cũng gần nhau nên tiện đi chứng giấy tờ nhưng cho tới khi hoàn thành thủ tục hồ sơ cũng mất gần 1 năm. Áp lực nữa, mỗi lần chọc trứng, làm phôi cũng chi phí hơn 100 triệu đồng, hai vợ chồng làm được nhiêu dồn nhiêu cho quá trình làm IVF. Đi riết mà nhân viên BV quen mặt, có cô còn nói hồ sơ dày lắm rồi, cuốn này nữa là có em bé thôi nha. Vì vậy, MTH là cách cuối cùng để mình có thể làm mẹ”.
Đầu năm 2020, hồ sơ MTH của chị Nhung mới được duyệt. Tháng 11.2020, chị Nhàn lên viện để được chuyển phôi. Trước đó, chị phải chích thuốc, canh niêm mạc tử cung suốt 4 tháng. “Đi nản luôn, nhưng nhờ đó thấy anh chị cả chục năm đi cầu tứ phương để có con, mình lại càng thương”, chị Nhàn nhớ lại.
Xuka ra đời đúng ngày TP.HCM phong tỏa vì dịch Covid-19, bé ở viện 3 ngày rồi được về nhà cùng ba mẹ. Chị Nhàn phải sanh sớm, khi thai mới 37 tuần, do bị huyết áp cao. Sau chuỗi ngày hồi hộp suốt thai kỳ, tiếng khóc đầu tiên của cô bé khiến cả hai bà mẹ vỡ òa khóc theo. Hôm chúng tôi đến là một ngày nắng đẹp, Xuka luôn miệng gọi ba, đội nón lá đòi được ra vườn chơi. Cô bé lém lỉnh có thể làm bất kỳ ai lần đầu gặp đều xiêu lòng vì vẻ dễ cưng, hồn nhiên.
“Nhàn nghĩ bé cũng như con mình thôi, cưng lắm. Nhà gần nên chạy qua chạy lại phụ chị hai được gì thì phụ. Có con rồi, anh chị hạnh phúc lắm”, cô Út của Xuka hãnh diện nhìn đứa cháu gái do mình sinh ra đang quấn quýt ba không rời.
“Chiến đấu đến cùng vì ước mơ của út”
Đầu tháng 9.2023, chị Ng.M.D và em gái út Ng.P.Th bước vào một ngày đặc biệt. Hôm đó, chị D. (41 tuổi) chính thức được chuyển phôi để MTH cho em gái tại BV Hùng Vương. Mới 6 giờ 30, vợ chồng Th. cùng chị D. đã đến Khoa Hiếm muộn để chuẩn bị. Dù đã chuẩn bị tâm lý cả năm nay, chị D. vẫn hồi hộp, lo âu trước khi lên bàn nhận phôi.
“Lo có trục trặc gì không nè. Rối sợ út buồn nếu không đậu thai, có 6 phôi mà một cái tốt, 4 cái khá và một trung bình. Hôm nay, BS sẽ đưa cái tốt nhất vào nên càng hồi hộp”, chị D. nói. Bên cạnh, út Th. dù cố vui vẻ động viên người chị thứ tư của cô nhưng cũng không giấu được sự lo âu. Cô chạy tới lui để nghe BS hướng dẫn đi mua thuốc, ký giấy xác nhận… Hễ ngồi được là cô lại chạy tới bên chị trò chuyện để trấn an.
Anh N.P.T (41 tuổi) là chồng chị Th. Cả hai đều là BS y học cổ truyền, hiện đang làm việc ở Q.6 (TP.HCM). Th. đã biết mình mắc bệnh “tử cung nhi hóa” không thể có thai và nói cho chồng khi cả hai còn chưa cưới. “Chồng út Th. vẫn quyết tâm lập gia đình cùng út”, chị D. kể.
Hơn ai hết, chị hiểu được nỗi buồn của em gái từ khi mới 21 tuổi đã biết mình khác biệt so với bạn bè. Nhưng Th. vẫn mạnh mẽ, giỏi giang, thi đậu trường y, trở thành BS rồi quen anh Th. và kết hôn. Họ tạm gác niềm riêng để tập trung vào công việc. Cho dù vẫn mong được làm mẹ và có đôi lúc bị áp lực chuyện con cái, Th. nói hay chồng đi tìm ai đó có thể làm mẹ nhưng anh T. gạt đi và không nhắc đến vấn đề này bao giờ.
Hai chị em Th. và D. trong buổi chuyển phôi sáng 1.9.2023
Biến cố Covid-19 đã khiến vợ chồng chị Th. trỗi dậy khao khát có con một lần nữa, khi họ đi công tác trong vùng dịch, nhìn thấy cảnh neo đơn, ly biệt của những người già đơn độc. Anh T. nói: “Cứ thử xem, nếu trời thương thì sau này mình có con, trước là vui, sau là dù có chuyện gì thì nhà mình cũng thêm người”.
Vậy là từ năm 2022, chị Th. và chồng đi làm IVF để trữ phôi. Lúc này chị cũng ngỏ lời nhờ chị tư, đã có một con trai lớn, mang thai giùm. Biết được ước mơ của em, chị D. dù đã 41 tuổi vẫn đồng ý và hôm 1.9, hai chị em dắt tay nhau đến BV để chuyển phôi với nhiều hy vọng. Nhưng hôm 13.9 vừa rồi, Th. báo cho tôi tin chị D. có kết quả xét nghiệm beta âm tính (không đậu thai – PV) dù nghén quá chừng.
“D. buồn quá trời, Th. phải động viên. Giờ chị ổn hơn rồi, chị đang về thăm mẹ. Hai chị em sẽ chiến đấu đến phôi cuối cùng, như ba mình ngày xưa, dù bị bệnh nặng nhưng vẫn luôn lạc quan cho tới lúc ra đi. Còn được hay không thì mình đã cố gắng rồi nên sẽ chỉ chờ vào chữ duyên với con thôi”, Th. nói.
(còn tiếp)