Tại các hội chợ, triển lãm, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Hải Phòng đã được trang trí, sắp xếp thể hiện được tính đặc sắc của thành phố Cảng.
Ngày 12/3, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng tổ chức tổng kết công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và xúc tiến thương mại năm 2023, triển khai kế hoạch công tác năm 2024 – năm nhiều sự kiện quan trọng của ngành nông nghiệp và cũng nhiều khó khăn thách thức.
Bà Trần Thị Nghĩa – Chi cục trưởng cho biết, thực hiện nhiệm vụ theo chương trình công tác năm 2023 Sở NN-PTNT giao, 100% nhiệm vụ đều hoàn thành, công tác chuyển đổi số được đánh giá xếp tốp đầu, nhất là trong ký số, xây dựng cơ sở dữ liệu.
Việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, nhanh chóng, thực hiện tối đa việc đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo tổ chức, công nhân không phải chờ đợi lâu, không phải trực tiếp đến bộ phận một cửa, tránh việc gây phiền hà, sách nhiễu, việc đi lại của người dân.
“Trong năm 2023, Chi cục đã hoàn thành tốt công tác hành chính tổ chức đảm bảo 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn hoặc trước hạn, đặc biệt công tác giải quyết thủ tục hành chính về kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với muối nhập khẩu. Không có công dân đơn thư khiếu nại”, bà Nghĩa cho hay.
Theo Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, bên cạnh công tác cải cách hành chính, năm 2023, đơn vị tham mưu tổ chức 5 cuộc kiểm tra, trong đó có 2 cuộc kiểm tra liên ngành, 2 cuộc kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch và 1 cuộc kiểm tra liên ngành đột xuất tại 99 cơ sở, 2 chợ dân sinh, phát hiện 4 tổ chức vi phạm hành chính và xử phạt hơn 80 triệu đồng.
Quá trình kiểm tra, sau khi phát hiện sai phạm đã tổ chức triển khai biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy 4 hộp sản phẩm quá hạn sử dụng, tổng giá trị sản phẩm hơn 350 triệu đồng và buộc tiêu hủy hơn 1,7 tấn chân gà tách xương giá trị gần 100 triệu đồng.
Về công tác xúc tiến thương mại và kết nối giao thương được tăng cường với hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm về công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tại các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hòa Bình, Thanh Hóa, Fetival tôm Cà Mau, Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023 tại Quảng trường Hòa Bình, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
Tại các hội nghị, hội chợ, triển lãm, các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của thành phố Hải Phòng đã được trang trí sắp xếp thể hiện được biểu tượng và những đặc trưng riêng của thành phố Cảng. Các mặt hàng tham gia đa dạng sản phẩm, thu hút được đông đảo quan khách tới tham quan và tìm hiểu, giao thương.
Ông Trần Văn Trung – Giám đốc Công ty CP Đầu tư Hải Âu Việt đánh giá, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản nói riêng và các đơn vị thuộc Sở NN-PTNT Hải Phòng nói chung, doanh nghiệp đưa sản phẩm đi các tỉnh, thành để quảng bá và xúc tiến thương mại. Qua đó, doanh nghiệp đã tiếp cận được nhiều khách hàng và thị trường đa dạng hơn.
“Chúng tôi có sản phẩm OCOP 4 sao là gạo ST25 sản xuất trên cánh đồng rươi, trong năm 2023, thông qua Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, chúng tôi là được trưng bày, giới thiệu tại Festival ngành hàng lúa gạo tại Hậu Giang. Tại đây, nhiều người ngạc nhiên và đánh giá cao sản phẩm này của Hải Phòng. Tuy là thành phố Cảng, không có nhiều thế mạnh về nông nghiệp nhưng lại có nhiều sản phẩm nông nghiệp rất độc đáo, ít nơi có được”, ông Trung bày tỏ.