Tương tự mùng 1, mâm cúng mùng 2 Tết mang ý nghĩa mời ông bà, tổ tiên về ăn cơm, phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, bình an.
Về cơ bản, các món ăn dâng lên gia tiên trong ngày mùng 2 Tết giống như mùng 1, nhưng có thể biến tấu để mâm cúng bắt mắt và mới lạ.
Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho biết: “Mâm cơm cúng mùng 2 Tết không cần quá cao sang nhưng phải nghiêm cẩn. Tùy điều kiện kinh tế, mỗi gia đình, vùng miền, mâm cỗ sẽ có những món ngon khác nhau.
Cúng cơm ngày Tết đều có mục đích ‘trước dâng lên ông bà, tổ tiên, sau là để con cháu thụ lộc’. Vì vậy, nấu món gì, ăn gì ngày Tết phụ thuộc vào sở thích của gia chủ.
Các bạn không cần câu nệ chuyện ông bà quở trách mà chuẩn bị mâm cao cỗ đầy. Trời, Phật, ông bà, tổ tiên chỉ chứng lòng thành, sau cùng người phàm thụ lộc, chứ có phải ai khác đâu”.
Nghệ nhân Ánh Tuyết nhấn mạnh, đời sống phát triển nên có nhiều cách ăn Tết hiện đại, đầm ấm, cần được học tập.
Hiện, nhiều gia đình trẻ dâng lên ban thờ chỉ con gà luộc, bánh chưng, sau đó ngồi với nhau quanh nồi lẩu, vãn chuyện ngày Tết. Mâm cỗ ngày Tết cập nhật nhiều món ngon đa dạng, thức thời hơn.
“Tuy nhiên, sự phát triển nào cũng dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống. Bên cạnh những món mới lạ, mâm cỗ cúng mùng 2 Tết của người miền Bắc còn mang đậm bản sắc dân tộc.
Những món ăn không thể thiếu bao gồm: bánh chưng, gà luộc (gà trống), các loại chả giò, nem rán, một đĩa thịt nấu đông ăn kèm với dưa hành, canh xương miến nấu măng…”, nghệ nhân Ánh Tuyết gợi ý.
Một số tỉnh miền Trung như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… có cách bày cỗ cúng mùng 2 khá giống người miền Bắc. Thế nhưng, từ Huế trở vào, hương vị và số lượng các món ăn trong mâm cỗ ngày Tết có sự khác biệt rõ ràng.
Mâm cỗ cúng mùng 2 Tết của người miền Trung gồm: bánh tét, gà luộc, xôi, thịt ngâm mắm, rau xào, rau sống, chả ram… Tất cả thức ăn đều được chia ra những đĩa nhỏ thể hiện sự chắt chiu, chia sẻ.
Ở miền Nam, mâm cỗ cúng mùng 2 Tết không thể thiếu thịt kho trứng và canh khổ qua nhồi thịt. Bên cạnh đó, mâm cúng còn có gỏi ngó sen, phá lấu, tôm khô…