Để đánh giá đầy đủ những thành tựu của ASEAN, điều quan trọng là phải hiểu khu vực Đông Nam Á đã bị chia cắt như thế nào trước khi ASEAN ra đời.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato’ Tan Yang Thai tại Trụ sở Chính phủ, ngày 7/4/2023. (Nguồn: VGP) |
Sau Thế chiến Hai, các quốc gia mới giành được độc lập trong khu vực đã phải vật lộn với sự chia cắt thuộc địa, tạo ra các ranh giới về chính trị và kinh tế, gây khó khăn cho quan hệ và hợp tác trong khu vực.
Trước nhiều thách thức như vậy, năm thành viên sáng lập – Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã có thể cùng vượt qua và thành lập ASEAN vào ngày 8/8/1967 tại Bangkok, Thái Lan. Tiếp đó, ASEAN đã chào đón Brunei Darussalam vào năm 1984, Việt Nam vào năm 1995, Lào và Myanmar vào năm 1997 và Campuchia vào năm 1999. ASEAN mong muốn sớm chào đón Timor Leste với tư cách là thành viên mới nhất của gia đình ASEAN.
Như vậy, với việc quy tụ các quốc gia trong khu vực, ASEAN đã có thể thúc đẩy ổn định khu vực, tạo khuôn khổ cho đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị-an ninh, kinh tế và xã hội-văn hóa giữa các quốc gia thành viên.
Tôi tin rằng một trong những thành tựu quan trọng của ASEAN là thúc đẩy sự ổn định, hội nhập kinh tế khu vực, nuôi dưỡng bản sắc chung, tạo điều kiện cho hợp tác ứng phó với thách thức, tăng cường ảnh hưởng toàn cầu, nâng cao năng lực phục hồi và thúc đẩy phát triển. Khả năng thống nhất các thành viên theo mục tiêu và nguyên tắc chung của ASEAN đã góp phần đáng kể vào sự hòa hợp và tiến bộ của khu vực.
Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2024 (ACV 2045) bao gồm 5 yếu tố chính, cụ thể là Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC), Kết nối ASEAN và Tăng cường thể chế. Dự thảo ACV 2045 và các kế hoạch chiến lược này sẽ được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua trong năm Chủ tịch ASEAN 2025 của Malaysia. Trong năm Chủ tịch ASEAN 2025, Malaysia sẽ vẫn cam kết tiếp tục thực hiện tốt các cuộc thảo luận hướng tới việc triển khai và thông qua ACV 2045, kế hoạch chiến lược của các trụ cột cộng đồng tương ứng và kết nối ASEAN.
Malaysia tiếp tục đóng vai trò tích cực, khuyến khích các quốc gia thành viên ASEAN tập trung vào các ưu tiên cốt lõi giúp ASEAN không chỉ ứng phó linh hoạt trước các thách thức trong những năm tới mà còn chủ động trong việc tạo ra môi trường thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề quan trọng của khu vực và toàn cầu.
2025 sẽ là một năm quan trọng đối với ASEAN, kỷ niệm một thập kỷ chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN. Ngoài ra, ASEAN sẽ thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, đưa ra định hướng chiến lược dài hạn của Hiệp hội trong 20 năm tới.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2025, Malaysia sẽ chú trọng hơn đến người dân trong khu vực – hạt nhân của Cộng đồng. Trọng tâm này phù hợp với bản sắc và khát vọng của khu vực, hướng tới hiện thực hóa một Cộng đồng thực sự lấy người dân làm trung tâm.
Malaysia sẽ tiếp tục ủng hộ việc duy trì các nguyên tắc của Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN và luật pháp quốc tế, cũng như khuyến khích ASEAN tăng cường cam kết của mình đối với thương mại và đầu tư nội khối. Đồng thời, Malaysia thúc đẩy ASEAN tận dụng các khía cạnh tích cực của số hóa và trí tuệ nhân tạo (AI). Những nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN của Malaysia cũng sẽ nhấn mạnh vào hội nhập khu vực bền vững, hướng tới đảm bảo công bằng xã hội và kinh tế.
Năm 2025 còn đánh dấu 30 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995. Kể từ thời điểm đó, Việt Nam đã trải qua một sự thay đổi lớn trong quá trình phát triển kinh tế, thành công trong việc đưa đất nước từ một trong những quốc gia kém phát triển trên thế giới trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ. Việt Nam hiện đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Trên trường quốc tế, Việt Nam đã tạo dựng được vị thế của mình, là quốc gia có khả năng thúc đẩy quan hệ song phương chặt chẽ với các đối tác quan trọng, là một bên tham gia có trách nhiệm và tích cực vào các diễn đàn đa phương, ủng hộ các nguyên tắc quan trọng của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Với việc thực hiện khéo léo chính sách đối ngoại mang đậm bản sắc ngoại giao “cây tre Việt Nam”, Việt Nam đã trở thành một thành viên quan trọng, có trách nhiệm của ASEAN, đóng góp tích cực vào sự phát triển và củng cố “mái nhà chung” ASEAN.
Đóng góp của Việt Nam cho ASEAN trải dài trên nhiều lĩnh vực, bao gồm ổn định khu vực, hội nhập kinh tế, phát triển bền vững, giao lưu văn hóa, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN… Sự tham gia và cam kết tích cực của Việt Nam đã củng cố hiệu quả sự gắn kết của ASEAN, hỗ trợ các mục tiêu của ASEAN và tăng cường hợp tác khu vực.