Ngày 29-11, tại xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, chương trình “Mai vàng tri ân” do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã thăm, tặng quà (mỗi người 10 triệu đồng) cho nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng và họa sĩ, nhạc sĩ Trần Thiện.
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (trái) và Bà Lê Thủy Tiên, Phó Giám đốc khu vực miền Tây của Ngân hàng TMCP Nam Á (phải) trao tiền hỗ trợ từ chương trình “Mai Vàng tri ân” đến nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng (thứ 2 từ trái sang) và họa sĩ, nhạc sĩ Trần Thiện (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đánh giá cao những đóng góp của nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng và họa sĩ, nhạc sĩ Trần Thiện.
Ông tin rằng món quà ý nghĩa này sẽ góp sức để hai ông tiếp tục công hiến, trở thành điểm tựa bền vững cho thế hệ trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật noi theo.
Soạn giả nặng nợ với quê hương
Nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng sinh ra ở Phụng Hiệp (Hậu Giang), trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Thuở nhỏ học tại quê nhà, đến năm lớp 10, ông chuyển lên Sài Gòn học.
Vừa tròn 20 tuổi, ông sôi nổi tham gia hoạt động văn nghệ, báo chí yêu nước trong phong trào đấu tranh học sinh, sinh viên. Ông từng 3 lần bị bắt đi tù tại các khám Chí Hòa, Tây Ninh, Long An.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông về công tác tại quê nhà, luân chuyển qua nhiều ban ngành trong lĩnh vực văn hóa.
Ông từng giữ nhiệm vụ Đội trưởng Đội Thông tin lưu động tỉnh Hậu Giang, Chủ nhiệm nhà văn hóa huyện Phụng Hiệp. Ông chính là tác giả của mô hình thuyền văn hóa nổi tiếng của Phụng Hiệp một thời.
Nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng (Ảnh: THANH HIỆP)
Năm 1994, ông giữ chức Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô đến khi nghỉ hưu năm 2009. Hơn nửa đời người cống hiến cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật, Nhâm Hùng trở thành cái tên uy tín được giao trọng trách thiết kế đường hoa xuân TP Cần Thơ, “cầm cân nảy mực” ở Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, đạo diễn cho nhiều sự kiện văn hóa…
Nhâm Hùng còn nổi tiếng là nhà biên khảo văn hóa với hàng chục đầu sách: “Tìm hiểu đất và người Hậu Giang”, “Phong Điền địa linh nhân kiệt”, “Cần Thơ phố cũ nét xưa”, “Chợ nổi ĐBSCL”…
Nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng (phải) tặng sách cho ông Trương Hòa Bình – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Danh dự chương trình “Tự hào cờ Tổ quốc”, nhà sáng lập chương trình “Học bổng hỗ trợ học sinh – sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo” (Ảnh: THANH HIỆP)
Khi nhận phần quà của chương trình “Mai vàng tri ân”, ông bày tỏ lòng biết ơn sự quan tâm của Báo Người Lao Động đối với văn nghệ sĩ đồng bằng.
Nghĩa cử này sẽ là động lực để ông tiếp tục dấn thân và sáng tác, làm tốt công việc nghiên cứu văn hóa, viết kịch bản phục vụ nhân dân.
Hoạ sĩ, nhạc sĩ tài hoa
Nhắc đến Nhà hát Tây Đô là không thể quên công lao đóng góp của họa sĩ, nhạc sĩ Trần Thiện. Ông vào nghề năm 1976 từ lòng đam mê hội họa của một chàng trai sinh hoạt chi đoàn phường An Hòa, quận Ninh Kiều.
Ban đầu ông hợp tác với các bạn trong khu vực gầy dựng phòng vẽ quảng cáo, một ngày họa sĩ Thế Nhân ghé đến mời về Đoàn cải lương Hậu Giang 1 phụ vẽ cảnh trí cho một vở cải lương sắp khai trương. Ông không ngờ sự kiện đó đã khiến ông gắn bó luôn với sân khấu.
Họa sĩ Trần Thiện và khu trưng bày hình ảnh tư liệu của quá trình lao động nghệ thuật của ông và vợ – nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung – Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP Cần Thơ (Ảnh: THANH HIỆP)
Họa sĩ Trần Thiện và vợ – nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung (Ảnh: THANH HIỆP)
Ngoài nghề họa sĩ, Trần Thiện còn là một nhạc sĩ, ông gắn bó với ban nhạc của đoàn Hậu Giang 1 rồi sau đó là đoàn Tây Đô. Ông đã truyền niềm đam mê âm nhạc và lòng yêu nghề cho thế hệ nghệ sĩ trẻ của thương hiệu Tây Đô.
Năm 1982 ông giữ chức vụ Phó đoàn, năm 2010 làm trưởng đoàn Tây Đô. Sau khi đoàn nâng cấp thành Nhà hát Tây Đô, năm 2013 ông làm phó giám đốc Nhà hát cho đến cuối năm 2016 thì nghỉ hưu.
Khi nhận món quà của chương trình “Mai Vàng tri ân”, ông tâm sự: “Hôm nay được nhận món quà này, tôi thấy mình cần phải cống hiến nhiều hơn, dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn là chỗ dựa tinh thần cho đàn em noi theo, làm nghệ thuật tử tế, để sân khấu TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL luôn mang bản sắc riêng, không phụ lòng mong mỏi của bà con khán giả”.
Nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng (trái) và họa sĩ, nhạc sĩ Trần Thiện vui mừng sau khi nhận quà của chương trình “Mai Vàng tri ân”. (Ảnh: THANH HIỆP)
Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/mai-vang-tri-an-tham-tang-qua-soan-gia-nham-hung-va-hoa-si-tran-thien-20231129170703615.htm