LCĐT – Ngày 10/4/1963, Báo “Lao Cai đổi mới”, tiền thân của Báo Lào Cai hiện nay, chính thức phát hành số báo đầu tiên, qua hệ thống bưu chính, đến tay bạn đọc. Tờ báo Đảng địa phương trải qua bao thăng trầm cùng với lịch sử phát triển của miền đất biên cương, luôn hoàn thành sứ mệnh vẻ vang, là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Bài 1: NUÔI DƯỠNG KHÁT VỌNG ĐỔI THAY CHO QUÊ HƯƠNG
Tên tờ báo (măng-sét) mang khát vọng đổi mới vùng đất miền núi, biên cương phía Tây Bắc của đất nước, có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống rất khó khăn, đang sôi nổi khí thế thi đua thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960 – 1965), xây dựng, củng cố miền Bắc XHCN, hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nhớ lại bối cảnh ra số báo đầu tiên, cố nhà báo Vũ Văn Thụ, Tổng Biên tập đầu tiên từng kể lại: Khi Trung ương có chủ trương cho xuất bản các báo Đảng địa phương, ngay cuối năm 1962, Tỉnh ủy Lao Cai đã chỉ đạo kiện toàn nhân sự bộ phận biên tập tờ tin “Đại đoàn kết”, lựa chọn cán bộ có năng lực biên tập, biết sử dụng máy ảnh, điều động về cơ quan báo. Ưu tiên trang bị cho tòa soạn những thiết bị được coi là hiện đại thời đó như máy chữ, máy ảnh để có thể xuất bản tờ báo của Đảng bộ vào đầu năm 1963. Tỉnh ủy phân công đồng chí Phạm Gia Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên huấn làm Chủ nhiệm; đồng chí Vũ Văn Thụ, cán bộ Ban Tuyên huấn làm Phó Chủ nhiệm báo. Thời gian sau, đồng chí Phạm Gia Tuân chuyển sang Ủy ban Hành chính tỉnh, đồng chí Vũ Văn Thụ làm Tổng Biên tập đầu tiên của tờ báo.
Việc đặt măng-sét là tên riêng cho tờ báo Đảng bộ được Ban Chủ nhiệm đưa ra bàn thảo kỹ. Từ kinh nghiệm của các thế hệ làm công tác tuyên truyền tờ “Tin Lao Cai” trong kháng chiến chống Pháp, tiễu phỉ, tờ tin “Đoàn kết” những ngày rộn rã khí thế xây dựng quê hương sau ngày giải phóng, trong quyết tâm thực hiện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, nỗ lực xây dựng quan hệ sản xuất mới ở nông thôn miền núi khi đón nhận đồng bào các tỉnh miền xuôi lên cùng đồng bào các dân tộc địa phương xây dựng đời sống mới, đưa Lao Cai tiến kịp miền xuôi, tên tờ báo “Lao Cai đổi mới” làm măng-sét được đề xuất mang khát vọng đổi mới mỗi ngày của vùng đất miền núi đầy thách thức, với rất nhiều khó khăn, nơi biên cương phía Tây Bắc của đất nước. Ngay trong số xuất bản đầu tiên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Hoàng Trường Minh có bài “Chào mừng Báo Lao Cai đổi mới” đăng trang trọng trên trang nhất, giao nhiệm vụ cho tờ báo.
Tròn 60 năm qua, khát vọng về một Lào Cai mới được các thế hệ làm báo Lào Cai qua các thời kỳ luôn nỗ lực góp công sức, trí tuệ vun đắp cho truyền thống vẻ vang của tờ báo. Nuôi dưỡng khát vọng của tờ báo cũng là khát vọng của quê hương, một Lào Cai dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu bảo vệ nơi biên ải, một Lào Cai đoàn kết, sáng tạo vượt qua khó khăn, thách thức trong xây dựng, để xứng tầm vị thế cửa ngõ, trung tâm phát triển vùng miền núi Tây Bắc đất nước.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa V, từ ngày 16/2/1976, ba tỉnh Lao Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ hợp nhất thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, chính thức đi vào hoạt động, Báo Lao Cai đổi mới theo hệ thống chính trị hợp nhất thành Báo Hoàng Liên Sơn. 13 năm đồng hành với Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lao Cai, trong hoàn cảnh đất nước cùng chung sức cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những năm tháng gian khổ trong chiến tranh, tòa soạn phải 5 lần sơ tán ra vùng ven thị xã, nhưng cán bộ, phóng viên vẫn làm việc không quản ngày đêm, thu thập, phân tích mọi thông tin, bám sát cơ sở, cho ra đời những trang báo, số báo đậm tính thời sự, hấp dẫn, thu hút người đọc. Ngày nay, mở lại những trang báo Lao Cai đổi mới, chúng ta như được sống lại trong không khí hào hùng những chiến công nối tiếp chiến công của quân, dân miền Bắc XHCN hòa với chiến công của quân, dân miền Nam anh hùng. Chiến công của quân, dân Lao Cai diệt gọn toán biệt kích Mỹ, ngụy ở xã Phú Nhuận (Bảo Thắng); tấm gương dũng sỹ diệt Mỹ Giàng A Phừ, người con dân tộc Mông huyện Sa Pa; phong trào “tay cày, tay súng’’ của nông dân xã Xuân Quang (Bảo Thắng), xã Bảo Nhai (Bắc Hà), xã Quang Kim (Bát Xát); “tay búa, tay súng” của công nhân nhà máy cơ khi Phú Lợi (thị xã Lao Cai), Mỏ apatit Cam Đường; tấm gương các cô giáo đưa con chữ lên bản vùng cao Sín Hồ Sán (Si Ma Cai), Nậm Mòn (Bắc Hà) được công nhận “Tổ đội Lao động XHCN”; những tấm gương phấn đấu đạt danh hiệu “Chi bộ 4 tốt” trong nông thôn, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, đơn vị dân quân trực chiến… và nhiều hình ảnh về lớp thanh niên con em các dân tộc Lao Cai kế tiếp lên đường vào chiến trường cùng quân, dân tỉnh Thủ Dầu Một kết nghĩa đánh giặc. Báo Lao Cai đổi mới đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang nhiệm vụ là người truyền tải thông tin mới nhất, cung cấp tin tức chính xác nhất, kịp thời cổ vũ khí thế cách mạng của quần chúng, những gương người tốt, việc tốt góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và chống Mỹ, cứu nước của dân tộc trên quê hương Lao Cai.
Với sự phát triển của công nghệ làm báo hiện đại ngày nay, rất khó có thể hình dung 60 năm trước, số báo Lao Cai đổi mới ra ngày 10/4/1963 được chế bản, in thế nào. Được biết tòa soạn khi đó, các nhà báo được tỉnh trang bị 2 máy chữ Japy Script, Optima, 2 máy ảnh Leica, Zenit, phối hợp với thợ in Quốc doanh in Lao Cai đóng bên Phố Tèo cần mẫn xếp từng con chì vào khay chữ in báo… Nhưng vượt lên khó khăn, vất vả, thiếu thốn bộn bề, những người làm báo vẫn đều đặn xuất bản 5 ngày 1 số báo, sau tăng lên 2 số/tuần. Những trang báo là tư liệu lịch sử sống động về quê hương Lào Cai nay vẫn lưu trữ cho thấy chất lượng truyền tải thông tin đặc biệt hữu ích, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần lao động, sản xuất hăng say, xây dựng CNXH ở miền Bắc và cuộc chiến đấu ngoan cường chống Mỹ – Diệm của đồng bào miền Nam. Từ năm 1965, báo còn dành trang in bằng chữ Mông, sau đó xuất bản báo Laol Caz flik-yaz 2 số/tháng, phát hành về bản, trường học, mang lại hiệu quả tuyên truyền, ánh sáng văn hóa, góp thêm sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc. Những tấm gương nhà báo tiêu biểu, tài ba như Tổng Biên tập Vũ Văn Thụ, Phó Tổng Biên tập Võ Anh Dũng, Phó Tổng Biên tập – nhà văn Ma Văn Kháng, Thư ký Tòa soạn Nguyễn Văn Nghiệp, các nhà báo Nguyễn Trọng Bính, Trần Hậu, Nguyễn Thị Huyền Dụ, nhà báo dân tộc Mông Vàng Seo Tống, Giàng Xuấn Phủ… còn mãi trong tâm trí người đọc.
Đồng hành với Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc trong giai đoạn đặc biệt của lịch sử cách mạng địa phương, bài học lớn Báo Lao Cai đổi mới để lại là: Luôn luôn đoàn kết, thống nhất cao trong Ban Biên tập, đội ngũ phóng viên, nhân viên; là niềm đam mê nghề nghiệp, chịu đựng gian khổ, vượt qua khó khăn, thiếu thốn với “cây bút và trang giấy làm vũ khí sắc bén”, ba lô trên vai hướng về cơ sở, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ của “người chiến sĩ cách mạng” trên mặt trận tư tưởng – văn hóa; tạo dựng được niềm tin yêu với tờ báo Đảng của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, từ đó có được “mạng thông tin rộng mở” – những công tác viên, thông tin viên được chính cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, trường học giao nhiệm vụ cộng tác với tờ báo Đảng.
Chặng đường 13 năm (1963 – 1976), Báo Lao Cai đổi mới đã để lại hàng trăm tin, ảnh, bài viết, là bằng chứng sống động có giá trị lịch sử về hành trình đấu tranh cách mạng và xây dựng quê hương. Tờ Lao Cai đổi mới khép lại vào số 1.368, thứ Ba ngày 27/1/1976, mở ra trang đầu, số đầu cho Báo Hoàng Liên Sơn ngay nơi tòa soạn tại thị xã Lao Cai từ ngày 16/2/1976. Những người làm báo Lao Cai đổi mới đã hoàn thành sứ mệnh của lớp người khai phá, mở đường cho thế hệ làm Báo Hoàng Liên Sơn, Báo Lào Cai sau này có thêm nghị lực sống, trí tuệ viết, vươn lên tầm cao mới.
>>> Bài cuối: MANG BẢN LĨNH LAO CAI ĐỔI MỚI TRÊN TUYẾN ĐẦU BẢO VỆ TỔ QUỐC