Hôm ấy, chị lại khóc. Những giọt nước mắt vắt ngang gối, trôi nhòe lớp mascara chưa kịp lau sau giờ tan ca. Cứ một tuần lại thấy anh chị cãi nhau dăm ba bữa.
1. “Góp gạo thổi cơm chung, để về già có người bầu bạn” – mớ suy nghĩ đó đẩy chị đi nhanh tới đích tái hôn cùng người chồng hiện tại, khi mới quen chỉ một tháng. Hai người đều từng “qua đò”, những thứ gọi là tình yêu nồng nhiệt đã chẳng còn hiện thực với anh chị. Họ cảm thấy phù hợp, vậy là cưới. Tiếc là, điều đấy chỉ do họ cảm thấy.
Sống chung, những thứ khập khiễng dần lộ rõ khi tình thương chưa đủ nhiều ở hai trái tim vội vã chắp vá. Anh vô tâm và thiếu bản lĩnh, còn chị lại nhạy cảm và cần vỗ về sau nhiều vết thương cũ.
Họ bắt đầu chỉ trích nhau và cảm thấy thất vọng ở đối phương. Hiển nhiên, họ không tìm thấy thứ mình cần ở người phối ngẫu. Hôn nhân chợt trở thành thứ gông xiềng trói buộc.
Có hôm tăng ca, chị về hẳn nhà mẹ. Những giọt nước mắt lau vội của chị trót lộ trước mặt tôi. Rồi như chẳng thể giấu thêm, chị nức nở kể về những ấm ức, về người chồng vô tâm dù làm cùng công ty nhưng luôn về trước mà chẳng báo hay chờ vợ.
Về những tối tăng ca tới hơn 10h đêm, mình chị chạy xe máy với quãng đường hẻo lánh gần 20 cây số. Không một cuộc gọi, một tin nhắn hoặc là một lời hỏi han xem vợ mình thế nào. Anh vui với những trận cầu, những bữa nhậu hoặc là một chương trình tivi cần xem.
Chị bảo đã gọi cho anh, nói với anh rằng hôm nay chờ chị cùng về. Vì hôm trước chị bị té xe, và đoạn đường đi làm vẫn đang sửa với vô số nguy hiểm. Nhưng có lẽ là tình thương chưa đủ lớn để anh bỏ bữa cầu lông hay ở lại thêm ít giờ để về cùng chị. Anh bảo chị tự về, lớn rồi chứ chẳng còn nhỏ.
Sự tủi thân trong chị chợt vỡ òa. Chị bảo ý nghĩa của kết hôn không phải là có thêm người yêu thương mình sao? Thế nào mà chị lại thấy mình cô đơn trong chính căn nhà có người chồng trên pháp luật đến vậy?
Anh thậm chí còn chẳng muốn có con chung với chị. Anh bảo, anh đã có đủ con rồi…
Ý nghĩa của kết hôn không phải là có thêm người yêu thương mình sao? Thế nào mà chị lại thấy mình cô đơn trong chính căn nhà có người chồng trên pháp luật đến vậy?
2. Đó là giai đoạn chị thấy bầu trời như sụp đổ. Công ty đột ngột cắt giảm biên chế, và chị là người phải ra đi. Vội vàng nộp hồ sơ xin việc tại những nơi khác, nhưng tuổi tác và sự nhanh nhạy của chị lại chẳng thể so với các bạn trẻ mới ra trường. Thành ra, chị cứ chòng chành mãi trong khâu ứng tuyển.
Thế rồi, vừa nghỉ việc chưa bao lâu thì mẹ ruột ốm cần phẫu thuật. Vừa lo cho mẹ, vừa chăm đứa con riêng còn nhỏ, lại xoay xở tiền bạc với đủ loại chi tiêu, chị chợt thấy mình như tan ra thành nhiều mảnh vỡ. Chị chợt cần lắm một bờ vai để tựa.
Nhưng bờ vai của chị ở đâu?
Bờ vai ấy lúc này vẫn sống với nhịp điệu bình thường đến nỗi chẳng ai biết là vợ anh đang khốn cùng cần giúp đỡ. Vẫn những lập luận cũ: lớn rồi thì tự lo, nhà ai nấy ngó; anh khiến chị như khúc gỗ giữa dòng chẳng biết sóng gió cuộc đời sẽ dập chìm khi nào để tránh.
Đôi khi chị nghĩ là do anh vốn tính vô tâm, hay bởi người anh quan tâm không phải là chị?
3. Tôi chẳng biết khuyên sao, bởi trong sự nhẫn nhịn mấy năm nay đã lộ rõ lựa chọn của chị. Hôn nhân lần hai ở tuổi trung niên khiến chị sợ hãi lại đổ vỡ rồi chẳng có cái bắt đầu nào khác. Chị mắc kẹt trong mớ khát vọng được yêu thương rồi lần lượt thất vọng, cuối cùng là hạ thấp mức kỳ vọng trước đó.
Hôn nhân của chị giờ chẳng khác gì một giao dịch thua lỗ mà chị chẳng dám rút vốn. Nỗi sợ bị bỏ rơi luôn bao trùm lấy chị. Lắm lúc tôi nghĩ, có lẽ không phải chị tiếc nuối đoạn hôn nhân này, mà chỉ là chị sợ sẽ chẳng có chuyến đò lần ba đến.
Con người thường tiếc nuối và níu giữ điều cũ, đơn giản bởi điều mới chưa tới, hoặc họ nghĩ điều mới sẽ chẳng tốt bằng. Nhưng cứ nắm khư khư cái đã chẳng còn phù hợp, thứ mang tới cho chị chỉ là gánh nặng trĩu trịt lồng ngực. Có cuộc hôn nhân này, chị cũng chẳng hề hạnh phúc hơn thời một mình.
Vậy thì tại sao cứ mãi mắc kẹt giữa dòng trôi?
Nguồn: https://tuoitre.vn/mac-ket-trong-cuoc-tai-hon-20241006102640564.htm